Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Sức mạnh quân sự Việt Nam được GFP xếp thứ 17 thế giới

Theo bảng xếp hạng mới nhất được đăng tải trên trang Global Fire Power, Việt Nam đứng thứ 17 trong danh sách 126 lực lượng vũ trang mạnh nhất thế giới.

Global Fire Power (GFP) mới đây công bố danh sách xếp hạng năm 2016 sức mạnh quân sự của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dựa trên các dữ liệu công khai từ các nguồn mở như báo chí, các chuyên trang quân sự và báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Mỹ đứng đầu trong danh sách còn Cộng hòa Trung Phi xếp cuối cùng. Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2015, lọt vào top 20 và đứng ở vị trí 17, trên các nước như Ba Lan, Thái Lan, Iran, Canada, và Australia.
10 nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới lần lượt là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, và Italy.
suc-manh-quan-su-viet-nam-duoc-gfpxep-thu-17-the-gioi
Sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 17 thế giới trong năm 2016. Ảnh: GlobalFire Power.
Sức mạnh quân sự các quốc gia, vùng lãnh thổ được GFP xếp loại dựa trên chỉ số PwrIndx, trong đó chỉ số PwrIndx lý tưởng là 0,0000. Quốc gia, vùng lãnh thổ nào có chỉ số PwrIndx càng thấp thì thứ hạng trên bảng xếp hạng càng cao.
Chỉ số PwrIndx của GFP không đơn thuần dựa vào tổng số binh sĩ chính quy hay tổng số vũ khí của các quân binh chủng mà tập trung nhiều hơn về tốc độ hiện đại hóa, tốc độ mua sắm cũng như mức độ đa dạng vũ khí của mỗi nước và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, GFP còn dựa trên 50 yếu tố có ý nghĩa quyết định về tiềm năng đương đầu với các cuộc chiến tranh thông thường bao gồm các yếu tố liên quan đến nguồn lực con người (quân số dự phòng), tài nguyên, vị trí địa lý, tài chính, sức mạnh của các quân binh chủng, khả năng huy động hậu cần. Các loại vũ khí hạt nhân không được tính đến như một tiêu chí xếp hạng.
Global Fire Power là trang web quân sự phi chính phủ của Mỹ, chuyên đánh giá về tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của các quốc gia trên thế giới dựa trên các dữ liệu công khai do chính phủ các nước công bố.
Bắt đầu hoạt động vào năm 2006, các thông tin chỉ số Global Fire Power đưa ra thường xuyên được các tạp chí quốc tế chính thống tham khảo và dẫn nguồn trong các bài viết và công trình nghiên cứu quân sự quốc phòng toàn cầu. Tuy nhiên, bảng xếp hạng của GFP chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là một kênh thông tin chính thống.

Pháo tự hành 152mm 2S35 Koalitsiya-SV phủ bạt ngụy trang gây sốt

Pháo tự hành 152mm 2S35 Koalitsiya-SV phủ bạt ngụy trang gây sốt

Hình ảnh pháo tự hành 152mm 2S35 Koalitsiya-SV phủ bạt ngụy trang đang được chia sẻ một cách nhanh chóng trên các diễn đàn quân sự, tạo thành một cơ sốt thực sự!

Mới đây, hình ảnh pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV cỡ nòng 152mm đặt trên gầm xe tải đã bị các cư dân mạng Nga ghi lại tại Thành phố Nizhny Novgorod.
Hình ảnh này được chia sẻ một cách nhanh chóng trên các diễn đàn quân sự Nga tuần này. Điều bất ngờ phiên bản pháo tự hành 2S35 này lại được đặt trên gầm xe tải việt dã đa dụng Kamaz-6560 với công thức bánh 8x8 (4 cầu chủ động) thay vì xe bánh xích như thường thấy.
Đây là dòng xe quân sự có tính việt dã cao, đã được sử dụng làm khung gầm cho hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1. Phiên bản pháo mới này có phần tháp pháo gần như tương đương trên phiên bản bánh xích.
Theo đó pháo vẫn là cỡ nòng 152mm, chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ, được trang bị loại đạn tăng tầm tương tự như trên bản bánh xích, có thể xạ kích các mục tiêu ở cự ly lên đến 70 km.
Pháo tự hành 152mm 2S35 Koalitsiya-SV phủ bạt ngụy trang gây sốt - Ảnh 1.
Pháo tự hành 2S27 "MSTA-K" trên gầm xe tải KrAZ-CHR-3130
Được biết đây không phải lần đầu Nga phát triển phiên bản pháo tự hành cỡ nòng 152mm trước đó một phiên bản trên khung gầm xe tải của pháo tự hành 2S19 cỡ nòng 152mm có tên là 2S27 "Msta-K" đã được chế tạo và sau đó thử nghiệm không thành công.
Nguyên nhân chính là do khung gầm xe tải KrAZ-CHR-3130 cũng có công thức bánh 8x8 nhưng lại không chịu được lực giật của pháo.

Chuyện kể trên đường băng Trường Sa

Chuyện kể trên đường băng Trường Sa

Sự xuất hiện kịp thời của những chiếc tiêm kích Su-30MK2 ở độ cao rất thấp, đã tăng thêm không khí sôi động, hào hứng và sự nghiêm trang trong buổi chào cờ trên Đảo Trường Sa.

Đã được hợp đồng qua điện thoại từ trước cho buổi làm việc nên cán bộ, nhân viên Đội Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Trường Sa thuộc Phòng Tham mưu, Sư đoàn 370 chờ sẵn tôi ở chiếc bàn đá trong khuôn viên đơn vị dưới tán cây tra.
Ly nước vối và những câu chuyện thú vị về công việc của "lính thợ" đường băng nơi đảo xa đủ để "giải nhiệt" cho phóng viên sau hành trình dài ra với Đảo trong những ngày nắng cao điểm.
Hiểu được thời gian eo hẹp của phóng viên khi lên Đảo nên Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng vào ngay câu chuyện. Anh cho biết, công việc của cán bộ, chiến sĩ trong Đội là bảo đảm cho hoạt động bay ở khu vực Trường Sa của các lực lượng Không quân, Hải quân và Binh đoàn 18.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, điều tiên quyết là mọi cán bộ, nhân viên trong Đội đều phải có khả năng độc lập công tác trên các vị trí.
Thứ nữa, là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên, các bộ phận. Anh giải thích, cũng là hoạt động tiếp thu và phóng hành máy bay, nếu được thực hiện trong đất liền, với những tình huống gặp khó khăn còn có sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan chức năng, còn nơi đảo xa, tất cả đều phải tự bảo đảm.
Tiếp lời Đội trưởng, Trung úy CN Ngô Hùng Sơn - Nhân viên PCCC minh chứng, ví như với việc phòng chống cháy, nổ, đơn vị ở đất liền còn có xe đặc chủng, nơi đảo xa này chỉ có bình cứu hỏa nên những quy định về phòng chống cháy, nổ nơi đây đều phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, với tinh thần và quyết tâm cao nhất "phòng" hơn "chống".
Chuyện kể trên đường băng Trường Sa - Ảnh 1.
Trực thăng hạ cánh xuống đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: VĂN THẮNG.
Hiểu rõ đặc thù nhiệm vụ nên cách đây già nửa năm, trong mùa luân chuyển quân, hầu hết các thành viên trong Đội mới chân ướt chân ráo từ đất liền ra Đảo thì đã có ý thức gắn kết với nhau trong cuộc sống và nhiệm vụ.
Thượng úy Trịnh Thế Dược - Phó đội trưởng, Bí thư Chi bộ kể, từ đầu năm, trong nghị quyết lãnh đạo, cấp ủy, chi bộ đã xác định, phải nhanh chóng bắt nhịp với công việc một cách tốt nhất.
Thế là bỏ qua những khó khăn chung như sự khắc nghiệt của thời tiết, những thay đổi đột ngột về điều kiện sống so với đất liền, toàn thể cán bộ, nhân viên trong Đội cùng quyết tâm vận hành để cỗ máy "bảo đảm kỹ thuật sân bay" ở Trường Sa hoạt động hiệu quả.
Đội trưởng Nguyễn Văn Nam ra nhận nhiệm vụ từ mùng 7/1, hai ngày sau, mùng 9/1 đã chỉ huy thành công bảo đảm cho chuyến đầu tiên cấp cứu một chiến sĩ Hải quân nhập ngũ bị tai nạn đa chấn thương.
Anh Nam chia sẻ, đã từng là Phó đội trưởng của Đội từ năm 2010, rồi về đất liền thực hiện nhiệm vụ, sau 5 năm trở lại Đảo, lại từng là Trưởng Tiểu ban tác chiến, trợ lí quản lí điều hành bay nên đã tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết trong hành trang đem theo ra Đảo.
Phấn khởi hơn nữa, Quân chủng và Sư đoàn 370 đã quan tâm, trang bị, tạo điều kiện tốt nhất cho Đội thực hiện nhiệm vụ. Trung úy CN Tạ Việt Hiền – Nhân viên Thông tin vui mừng khoe với tôi, không chỉ khí tài thông tin như vi sát, hệ thống sóng ngắn, sóng cực ngắn đã được thay mới mà máy tra nạp xăng dầu và các loại khí tài trang bị bảo đảm đều đã được đầu tư mới.
Sắp tới, khi được chuyển về nhà mới đang chuẩn bị khánh thành thì điều kiện ăn, ở, làm việc của Đội còn được cải thiện đáng kể.
Trên cương vị Phó đội trưởng, Bí thư Chi bộ, Thượng úy Trịnh Thế Dược thật an lòng khi mỗi thành viên trong Đội đều ý thức được công việc mình đang thực hiện ở nơi đầu sóng.
Anh bảo, mỗi lần được nhìn những chiếc máy bay lượn vòng trên đảo, có khi xuyên tâm ở độ cao thấp, còn nhìn rõ cả số hiệu máy bay, thì thấy tự hào và kiêu hãnh lắm. Những cánh bay khẳng định chủ quyền. Những cánh bay đem hơi ấm, sự gửi trao và niềm tin từ đất liền ra Đảo.
Anh chia sẻ, từ khi ra Đảo, anh ấn tượng nhất với chuyến bay "che đầu" của Sư đoàn 370 trong lần Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra thăm và kiểm tra Đảo Trường Sa Lớn hồi tháng 5.
Như thường lệ, hôm ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam làm nhiệm vụ chỉ huy tại sân, còn anh là sĩ quan dẫn đường. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với sĩ quan dẫn đường là làm sao dẫn dắt, chỉ huy để các máy bay mang số hiệu 610, 620 bay thông qua trên Đảo đúng lúc máy bay của Bộ trưởng vừa hạ cánh, đoàn chuẩn bị thực hiện Lễ chào cờ trên Đảo.
Cái khó trong những lần như vậy, trước hết là ở đặc thù của hoạt động bay. Máy bay Su-30 với vận tốc trung bình 13 km/phút, nếu chỉ huy nhanh hay chậm dù chỉ tính bằng "giây", tình hình cũng đã khác đi rồi.
Đó còn chưa kể đến những áp lực tâm lí khi sĩ quan dẫn đường ngồi ở Sở chỉ huy với sự chi phối của rất nhiều kênh thông tin. Hôm ấy, khi máy bay chở Bộ trưởng vừa hạ cánh tại đường băng, hai máy bay Su-30 đã ở vị trí giảm độ cao, tốc độ, tổ bay quan sát tốt đảo.
Sĩ quan chỉ huy đã chỉ thị cho biên đội giữ vững đội hình, tiếp tục giảm độ cao, chờ lệnh. Khi hai chiếc Su-30 đã cách Đảo 8km, hạ độ cao xuống 600m, xác định đó là thời điểm "vàng" phát khẩu lệnh; chưa thấy Đội trưởng Nam chỉ thị, thời cơ lại đã đến, Trịnh Thế Dược đã ra thông báo: "610, 620 hạ cánh tốt, giảm độ cao
300m, thông qua". Hai chiếc Su-30MK2 giảm độ cao, lượn 3 vòng trên Đảo đúng thời điểm Lễ Chào cờ chuẩn bị tiến hành. Sự xuất hiện kịp thời của những chiếc Su-30MK2 ở độ cao rất thấp, đã tăng thêm không khí sôi động, hào hứng và sự nghiêm trang trong buổi chào cờ.
Ngồi ở Sở chỉ huy, Trịnh Thế Dược thở phào nhẹ nhõm vì đã phối hợp và hỗ trợ tốt cho đồng đội. Anh sung sướng rời Sở Chỉ huy ra phía đường băng trong cái bắt tay xiết chặt của Đội trưởng Nguyễn Văn Nam.
Tôi chưa một lần được chứng kiến những màn hạ cánh hay những chuyến bay thông qua ngoạn mục trên Đảo nhưng qua những câu chuyện được kể ngay trên đường băng ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Đội Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Trường Sa đã truyền đến cho tôi niềm kiêu hãnh và tự hào khôn tả.
Gắn liền với sự hiện diện của những cánh bay ở Trường Sa, là hình ảnh những người lính thợ đường băng lặng thầm, cần mẫn, trách nhiệm bảo đảm đường lăn, sân đỗ, nối thông liên lạc, tra nạp xăng dầu.
Và trước hết là những sĩ quan chỉ huy, sĩ quan dẫn đường Không quân; những người không những thông tường "4 biết" mà còn biết vận dụng sáng tạo những quy định ấy trong quản lí, chỉ huy bay nơi đảo xa.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Sau P-3C, Việt Nam sẽ được Nhật Bản viện trợ tàu chiến cũ?

Sau P-3C, Việt Nam sẽ được Nhật Bản viện trợ tàu chiến cũ?

Trong trường hợp Nhật Bản phê duyệt việc chuyển giao cho Việt Nam các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sẽ mở ra triển vọng lớn hơn để tiến tới viện trợ tàu chiến đã qua sử dụng.

Thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, thời gian qua Việt Nam đã có một số cuộc đàm phán với các đối tác từ nhiều quốc gia Âu, Mỹ. Tuy vậy, do ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp, chúng ta không thể mua ngay trang bị mới mà phải chấp nhận hàng đã qua sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tiêu biểu cho chiến lược trên là việc Việt Nam đã bày tỏ mong muốn nhận được tiêm kích F-16 hay máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cũ của Mỹ. Nhưng khác với F-16 thuộc chương trình EDA, đơn giá quá cao của P-3C sau tân trang đã khiến Việt Nam phải quay sang tìm nguồn cung từ Nhật Bản.
Hiện tại thông tin chúng ta muốn mua P-3C của Nhật Bản mới chỉ xuất hiện trên tờ Nikkei, sẽ còn một quãng đường dài để điều đó trở thành hiện thực. Nhưng nếu thành công, đây sẽ là tiền đề để Việt Nam có được nhiều vũ khí khác từ đối tác chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á, mà triển vọng sáng sủa nhất chính là tàu chiến đang nằm trong hạm đội dự bị.
Sau P-3C, Việt Nam sẽ được Nhật Bản viện trợ tàu chiến cũ? - Ảnh 1.
Hải quân Nhật Bản là một thế lực lớn trong khu vực
Hải quân Nhật Bản được đánh giá là lực lượng mạnh thứ hai tại châu Á, trong biên chế của họ có nhiều lớp tàu mặt nước tiên tiến, năng lực chiến đấu cao nhưng tuổi đời lại khá ngắn. Khác với Hải quân Nga vẫn duy trì nhiều tàu đã phục vụ trên dưới 40 năm, chiến hạm Hải quân Nhật Bản thường "về hưu" khi chưa đến 30 tuổi trong tình trạng còn khá tốt. 
Trước kia do hiến pháp Đất nước Mặt trời mọc ngăn cấm việc chuyển giao vũ khí cho nước ngoài nên nhiều con tàu buộc phải bán sắt vụn, nhưng hiện nay khi rào cản đã được dỡ bỏ thì triển vọng để Việt Nam có được chiến hạm cũ của Nhật Bản nhằm gia tăng nhanh chóng đội tàu mặt nước (tương tự như trường hợp lực lượng Kiểm ngư) là điều khả thi.
Vậy nếu có ý định trên, Việt Nam nên hỏi mua những lớp tàu chiến nào của Nhật Bản? Do đặc thù của một lực lượng viễn dương, Hải quân Nhật Bản thường đóng chiến hạm có lượng giãn nước rất lớn, trong khi nhu cầu của Việt Nam vẫn là tác chiến quanh khu vực biển Đông, cho nên có lẽ chỉ hai lớp tàu sau đây là phù hợp.
Sau P-3C, Việt Nam sẽ được Nhật Bản viện trợ tàu chiến cũ? - Ảnh 2.
Khu trục hạm Isoyuki thuộc lớp Hatsuyuki của Nhật Bản
Đầu tiên là các khu trục hạm cỡ nhỏ thuộc lớp Hatsuyuki, gồm 12 chiếc được đóng trong giai đoạn 1979 - 1986. Ngoài 2 chiếc vẫn đang phục vụ, 4 chiếc bị hoán cải thành tàu huấn luyện, thì có 6 tàu khác đã nghỉ hưu và được đưa sang thành phần dự bị.
Lớp chiến hạm này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.050 tấn và lên tới 4.000 tấn khi đầy tải, mặc dù chức năng chính là chống ngầm nhưng tàu vẫn được trang bị đầy đủ tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon lẫn tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow, bên cạnh các loại ngư lôi, tên lửa săn ngầm chuyên dụng. 
Sau P-3C, Việt Nam sẽ được Nhật Bản viện trợ tàu chiến cũ? - Ảnh 3.
Các khu trục hạm hộ tống (frigate) thuộc lớp Abukuma
Nếu cảm thấy lớp Hatsuyuki hơi lớn và hơi cũ, Việt Nam có thể nhìn sang lớp Abukuma, đây là các khinh hạm đa năng có lượng giãn nước 2.500 tấn được phát triển từ "người tiền nhiệm" Yubari với nhiều cải tiến như áp dụng công nghệ tàng hình, nâng cấp thiết bị điện tử và sửa đổi hệ thống vũ khí.
Hiện tại 6 tàu thuộc lớp Abukuma vẫn đang hoạt động, nhưng chiếc đầu tiên đã vào biên chế từ năm 1989, trong khi chiếc "trẻ" nhất cũng đã phục vụ từ năm 1993, thời gian nhận sổ hưu đã cận kề trước mắt.
Nhờ được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 và hệ thống pháo bắn nhanh Phalanx, rocket chống ngầm RUR-5 ASROC cùng ngư lôi 324 mm HOS-301, sức mạnh của Abukuma tỏ ra không hề thua kém Gepard 3.9.
Nếu trong tương lai chúng ta đàm phán thành công việc nhận chuyển giao tàu chiến cũ của Nhật Bản, hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn cả về chất lẫn lượng, phương án này tỏ ra còn ưu việt hơn đề xuất mua lại khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ nhiều lần.

Vì sao Nhật sẵn sàng bán giá rẻ, hỗ trợ tài chính để VN mua P-3C?

Vì sao Nhật sẵn sàng bán giá rẻ, hỗ trợ tài chính để VN mua P-3C?

Theo Diplomat, có lý do để tin rằng Tokyo sẵn sàng hợp tác về giá cả và thậm chí còn có thể hỗ trợ tài chính để Việt Nam mua các máy bay P-3C của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.

Việt Nam "để mắt" máy bay P-3C của Nhật Bản
Theo tạp chí Diplomat, do những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong ít nhất 2 năm trở lại đây, Việt Nam đang khẩn trương củng cố năng lực an ninh hàng hải.
Hà Nội đã có những bước tiến cụ thể, tiêu biểu như việc tiếp nhận 5 trong số 6 tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga.
Đáng kể hơn là, những nỗ lực của Hà Nội nhằm thuyết phục Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đã gặt hái được thành quả vào tháng trước. Trong chuyến thăm tới Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.
Mặc dù có thông tin Hà Nội mong muốn mua một số khí tài Mỹ như máy bay chiến đấu F-16 Viper, máy bay tuần thám biển P-3 Orion và thiết bị ISR (tình báo - giám sát - trinh sát) nhưng tính khả thi về mặt tài chính của những thỏa thuận này vẫn là một dấu hỏi.
Vì sao Nhật sẵn sàng bán giá rẻ, hỗ trợ tài chính để VN mua P-3C? - Ảnh 1.
Máy bay tuần thám P-3C của Nhật Bản.
Số tiền 2 triệu USD Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam theo chương trình Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) sẽ không đủ để Hà Nội tiến hành các thỏa thuận lớn như mua máy bay tuần tra P-3 Orion, trong khi đây là phương tiện có thể thay đổi năng lực tác chiến chống ngầm và khả năng nắm bắt các vấn đề hàng hải (MDA) của Việt Nam về cơ bản.
Không ngạc nhiên khi Hà Nội chuyển hướng để mắt tới máy bay P-3 đã qua sử dụng của Nhật Bản. Tờ Nikkei Asian Review cho hay, Hà Nội đang đặc biệt cân nhắc khả năng mua các máy bay cũ rẻ hơn từ Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF).
Mặc dù không rõ giá thành cụ thể của một chiếc P-3C cũ trong JMSDF là bao nhiêu nhưng một chiếc P-3C đã qua sử dụng của Mỹ sau khi tân trang sẽ có giá vào khoảng 80 triệu USD/chiếc.
Theo bản báo cáo Không quân Thế giới của tờ Flight Global trong năm 2015, hiện JMSDF có khoảng 73 chiếc P-3.
Nhật Bản có thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam mua P-3C
Diplomat nhận định, Việt Nam có thể thấy thoải mái khi lựa chọn Nhật Bản, do cả 2 phía đã có mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng từ khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006.
Không lâu sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra biển trong khuôn khổ gói viện trợ 500 triệu yen.
Tiếp đó, tháng 4 vừa qua, các tàu chiến Nhật Bản đã lần đầu tiên tới thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Vì sao Nhật sẵn sàng bán giá rẻ, hỗ trợ tài chính để VN mua P-3C? - Ảnh 2.
Hai tàu hộ vệ của Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh trưa 12-4, bên trái là tàu JS Ariake, bên phải là tàu JS Setogiri. Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo Diplomat, có lý do để tin rằng Tokyo sẵn sàng hợp tác về giá cả và thậm chí còn có thể hỗ trợ tài chính để Việt Nam mua máy bay P-3C của JMSDF.
Lý do lớn nhất là vì kể từ khi tái đắc cử cương vị Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, ông Abe đã tuyên bố mục tiêu của Tokyo là trở thành quốc gia "tiên phong" đóng góp vào nền hòa bình và an ninh trong khu vực.
Dưới thời ông Abe, Nhật Bản đã tỏ rõ sự quan tâm tích cực đối với các vấn đề ở Biển Đông, vùng biển đóng vai trò quan trọng đối với Tokyo trong các hoạt động thương mại, mặc dù có phần xa xôi về địa lý.
Ngoài ra, do mới nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương tự áp đặt nhiều thập kỷ qua nên Nhật Bản đang tìm kiếm khách hàng.
Tokyo tỏ ra thất vọng khi vào mùa xuân năm nay, Australia đã trao hợp đồng cung cấp tàu ngầm trị giá 50 tỷ AUD cho Pháp, thay vì tập đoàn Kawasaki và Mitsubishi của Nhật Bản.
Mặc dù thỏa thuận cung cấp các máy bay P-3 cho Việt Nam sẽ không có quy mô như vậy nhưng nó sẽ giúp Nhật Bản khởi động trên con đường phát triển bình thường của một "người khổng lồ" trong lĩnh vực quốc phòng.
Trước đó, Nhật Bản đã đàm phán cung cấp cho Ấn Độ các thủy phi cơ ShinMaywa US-2 nhưng thỏa thuận này chưa có kết quả.
Theo Diplomat, Việt Nam không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất để mắt tới các thiết bị quân sự của Nhật Bản. Đầu tháng 6 năm nay, tờ Nikkei Asia Review cho hay, Thái Lan đang cân nhắc khả năng mua máy bay tuần tra biển P-1 cùng thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản.
Tokyo cũng đang đàm phán thỏa thuận tương tự với Malaysia và Indonesia. Cho tới nay, nước này mới đạt được thỏa thuận quốc phòng với một quốc gia Đông Nam Á, đó là Philippines.
Theo hợp đồng này, Nhật Bản sẽ cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện TC-90 có khả năng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi có thảm họa, hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo, các nhiệm vụ trinh sát và cảnh báo.

Việt Nam sẽ mua SH-60J Seahawk của Nhật Bản để thay thế Ka-28?

Việt Nam sẽ mua SH-60J Seahawk của Nhật Bản để thay thế Ka-28?

Nếu Việt Nam được Nhật Bản chuyển giao các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion thì nhiều khả năng chúng ta sẽ mua kèm SH-60J Seahawk để đồng bộ hóa trang bị.

Hiện tại lực lượng săn ngầm của Không quân Hải quân Việt Nam chỉ bao gồm 8 chiếc Ka-28 được Liên Xô chuyển giao trong giai đoạn 1989 - 1990.
Trải qua gần 30 năm phục vụ, năng lực chống ngầm của những chiếc trực thăng với cấu hình rotor đồng trục độc đáo trên bị đánh giá là đã lạc hậu, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tác chiến hiện đại, mặc dù đã trải qua quá trình nâng cấp tại Ukraine.
Việt Nam sẽ mua SH-60J Seahawk của Nhật Bản để thay thế Ka-28? - Ảnh 1.
Trực thăng săn ngầm Ka-28 của Việt Nam trong thời gian tu sửa tại Ukraine
Nhận thấy điểm yếu trên, Hải quân Việt Nam thời gian qua đã có những động thái đi tìm đối tượng thay thế, trong đó "đình đám" nhất là việc tiếp xúc với Tập đoàn AgustaWestland để đánh giá trực thăng săn ngầm AW159 Wildcat, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, MH-60 Seahawk lại bất ngờ nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Nhưng cũng tương tự P-3C Orion, đơn giá 45 - 55 triệu USD/chiếc (tùy phiên bản) khiến chúng vượt quá tầm tay của Việt Nam.
Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, khi Việt Nam tỏ ý muốn được Nhật Bản cung cấp P-3C đã qua sử dụng (đặc biệt là theo một số nhận định, quốc gia Đông Bắc Á này sẵn sàng bán rẻ hoặc thậm chí là hỗ trợ tài chính), thì triển vọng cũng mở ra cho khả năng chúng ta sẽ mua được cả trực thăng săn ngầm SH-60J Seahawk.
Việt Nam sẽ mua SH-60J Seahawk của Nhật Bản để thay thế Ka-28? - Ảnh 2.
Trực thăng săn ngầm SH-60J của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF)
SH-60J là phiên bản dựa trên SH-60 Seahawk của Mỹ, được sản xuất tại Nhật Bản bởi Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi theo giấy phép từ Sikorsky. Mitsubishi bắt đầu chuyển giao những chiếc SH-60J đầu tiên cho JMSDF trong năm 1991, chúng chính thức vào biên chế không lâu sau đó.
Về cơ bản, SH-60J là sự lai ghép giữa SH-60B và SH-60F, khác biệt phần lớn nằm ở hệ thống điện tử. Máy bay do Nhật Bản chế tạo được trang bị sonar nhúng HQS-103, radar mảng pha quét chủ động HPS-104 và hệ thống tác chiến điện tử HLR-108. SH-60J sử dụng động cơ nội địa T700-IHI-401C do Ishikawa-Harima cung cấp.
Ngoài các loại vũ khí chống ngầm chuyên dụng như ngư lôi hạng nhẹ Mk 46, Type 74, Type 12, bom chìm... thì SH-60J còn mang được cả súng máy 7,62 mm, rocket Hydra 70 mm cùng tên lửa chống tăng Hellfire để làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho lính thủy đánh bộ.
Việt Nam sẽ mua SH-60J Seahawk của Nhật Bản để thay thế Ka-28? - Ảnh 3.
SH-60J có năng lực tác chiến không hề thua kém MH-60R của Hải quân Mỹ
Tương tự P-3C đang được thay thế bởi P-1, Tập đoàn Mitsubishi hiện đã sản xuất phiên bản nâng cấp SH-60K như một sự bổ sung và sẵn sàng lấp khoảng trống của những chiếc SH-60J thuộc lô sản xuất đầu tiên.
Nếu Việt Nam được Nhật Bản đồng ý chuyển giao các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion thì nhiều khả năng chúng ta sẽ mua kèm SH-60J Seahawk để đồng bộ hóa trang bị. Mặc dù khá "cao tuổi" nhưng vũ khí của Nhật luôn được đánh giá cao về chất lượng cũng như độ bền, sẽ còn phục vụ tốt thêm một thời gian dài nữa.
Với kinh nghiệm tác chiến phong phú cũng như phương tiện tiên tiến của Nhật Bản, Hải quân Việt Nam sẽ đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trước lực lượng tàu ngầm đông đảo của đối phương. Kế hoạch trên rất nên được xúc tiến để triển khai ngay trong tương lai gần.

Ấn Độ chi 8 tỷ USD nâng cấp 194 tiêm kích đa năng Su-30MKI

Ấn Độ chi 8 tỷ USD nâng cấp 194 tiêm kích đa năng Su-30MKI

Su-30MKI của Ấn Độ đã đánh bại tiêm kích EF-2000 Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh.

Su-30MKI là một mẫu máy bay tiêm kích tiên tiến hơn biến thể Su-30MK và Su-30MKK của Trung Quốc, đơn giản vì nó là tiêm kích đa năng thế hệ 4,5.

Trong khi thương vụ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 (FGFA) đang bế tắc thì một động thái có lợi cho Nga khi Ấn Độ quyết định đàm phán về việc nâng cấp 194 máy bay Su-30MKIlên chuẩn mới 4+ với giá trị hợp đồng khoảng 8 tỉ USD.
Su-30MKI sẽ trang bị như công nghệ tàng hình tiên tiến, hệ thống điện tử hàng không và radar mới có tầm trinh sát xa hơn kèm theo tên lửa tầm xa, và nhất là khả năng mang phóng tên lửa đối hạm siêu thanh Brahmos.
"Phần quan trọng trong việc nâng cấp Su-30MKI liên quan đến hệ thống điện tử và cảm biến. Đây là hệ thống phần mềm hoàn toàn mới. Nó sẽ thay thế hoàn toàn toàn hệ thống cũ trên Su-30MKI". Tướng Không quân Ấn Độ Muthumanikam Matheswaran nói với Defense News.
Việc nâng cấp máy bay Su-30MKI giữa Ấn Độ và Nga là một quyết định đúng đắn khi việc hợp tác chế tạo máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 đang gặp nhiều vấn đề.
Ấn Độ chi 8 tỷ USD nâng cấp 194 tiêm kích đa năng Su-30MKI - Ảnh 1.
Su-30MKI Ấn Độ thực hành tiếp dầu trên không.
"Việc nâng cấp Su-30MKI chắc chắn sẽ làm chậm việc mua máy bay thế hệ thứ 5 của Nga do sự hạn chế về tài chính", Tướng Matheswaran nói.
Qua nâng cấp, Su-30MKI sẽ hoàn toàn lột xác, trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng so với tính năng của tiêm kích thế hệ 5 mà Nga-Ấn đang chung tay phát triển thì chúng vẫn còn kèm xa. Thật vậy, sự khác biệt giữa thế hệ 4+ và thế hệ thứ 5 là rất lớn.
Hơn nữa, việc nâng cấp Su-30MKI cũng có một số hạn chế là vì khung thân máy bay vẫn được giữ nguyên, chỉ nâng cấp về phần mềm và các tính năng hiện đại khác. Tuy nhiên, trong thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định trên của Ấn Độ là táo báo nhưng hết sức đúng đắn.
Su-30MKI là biến thể của tiêm kích Su-30 của Nga dành cho thị trường Ấn Độ. Su-30MKI là một tiêm kích hạng nặng tầm xa, có nhiều ưu thế về hỏa lực, dễ dàng chiếm ưu thế trên không.
Năm 2004, Không quân Ấn Độ đã tự lắp ráp và đưa vào hoạt động chiếc Su-30MKI đầu tiên. Su-30MKI còn sử dụng các hệ thống điện tử của Pháp và Israel.
SU-30MKI có 12 giá treo mang được 8.000 kg vũ khí, trang bị radar PESA Bars, nó vượt trội hơn hẳn bất kỳ máy bay chiến đấu khác trong khu vực.
Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch tăng cường sức mạnh Su-30MKI với tên lửa siêu âm BrahMos và tên lửa hành trình Nirbhay.

Bất ngờ lớn trước chủng loại TLPK trang bị cho TT-400TP Việt Nam

Bất ngờ lớn trước chủng loại TLPK trang bị cho TT-400TP Việt Nam

Những thông tin ban đầu cho biết, tàu pháo TT-400TP của Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị tên lửa phòng không SA-N-10 (9K38 Igla), tuy nhiên...

Mới đây trong bài báo "Huấn luyện tàu mặt nước tác chiến trên biển" đăng trên báo Quân đội nhân dân ra ngày 19/7 đã ghi lại một số cảnh luyện tập chiến đấu trên tàu pháo TT-400TP mang số hiệu 273 thuộc Lữ đoàn 167.
Một chi tiết rất đáng chú ý đó là bức ảnh chụp các chiến sĩ trong khoa mục tác chiến phòng không đã cho biết loại tên lửa trang bị cho lớp tàu pháo này không phải là SA-16 như thông tin ban đầu.
Bất ngờ lớn trước chủng loại TLPK trang bị cho TT-400TP Việt Nam - Ảnh 1.
Trắc thủ tên lửa A72 trên tàu 273 - Lữ đoàn 167 xử trí tình huống tác chiến phòng không. Ảnh: Quân đội nhân dân
Theo chú thích của tấm ảnh trên, tàu pháo TT-400TP của Hải quân Nhân dân Việt Nam chỉ được trang bị tên lửa phòng không A72 (hay còn có tên gọi khác là SA-N-5), đây là biến thể hải quân của 9K32 Strela-2 (SA-7 Grail).
SA-7 là loại tên lửa đất đối không vác vai thế hệ đầu tiên của Liên Xô được dẫn hướng bởi đầu dò hồng ngoại thụ động tương tự như FIM-43 Redeye của Mỹ, chính thức đưa vào biên chế từ năm 1968. Mặc có hạn chế về tầm bắn, tốc độ và độ cao nhưng Strela-2 tỏ ra rất hữu hiệu khi chống lại các mục tiêu như máy bay bay thấp hoặc trực thăng.
Strela-2 có hai phiên bản là: 9K32 Strela-2 (SA-7A) phục vụ trong Quân đội Liên Xô từ năm 1968, nhưng nó sớm được thay thế bằng 9K32M Strela-2M (SA-7B) hiện đại hơn trong năm 1971. Biến thể SA-7B có một số cải tiến như lắp hệ thống làm lạnh đầu dò hồng ngoại nhằm tránh việc tên lửa bị đánh lừa bởi mồi bẫy nhiệt do máy bay phóng ra.
Bất ngờ lớn trước chủng loại TLPK trang bị cho TT-400TP Việt Nam - Ảnh 2.
Tên lửa phòng không vác vai 9K32 Strela-2 (SA-7 Grail) cùng ống phóng 9P54
Ống phóng dành cho tên lửa 9K32/9K32M là loại 9P54/9P54M có chiều dài 1,47 m; đường kính thân 72 mm; trọng lượng 4,71 kg.
Tên lửa 9K32/9K32M gồm 4 tầng: tầng thứ nhất là đầu tự dẫn, tầng thứ 2 có cánh lái để điều khiển hướng bay (bằng cách thay đổi góc của cánh lái), tầng thứ 3 là phần chiến đấu, tầng cuối cùng là động cơ, phần cuối của động cơ có các cánh ổn định.
Thông số kỹ thuật của tên lửa 9K32/9K32M: chiều dài 1,44 m; đường kính 70 mm; trọng lượng 9,8/9,97 kg; đầu đạn 1,15 kg HE; tầm bắn tối đa 3,7/4,2 km; trần bay 1,5/2,3 km; tốc độ 430/580 m/s.
Việc tàu pháo TT-400TP số hiệu 273 (và có thể cả những chiếc khác) chỉ mang theo SA-N-5 thay vì SA-N-10 được dự đoán nhằm mục đích tận dụng nốt số tên lửa tồn kho cho công tác huấn luyện, khi cần thiết nó hoàn toàn đủ khả năng thay thế bằng loại SA-16 hiện đại hơn hay thậm chí là TL-01 do Việt Nam tự sản xuất trong nước nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến.

Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn

Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn

Tàu hộ vệ Sigma-10514 của Hải quân Indonesia đang được hoàn thiện.

Dự án tàu hộ vệ Sigma-9814 bị tạm hoãn lại vào phút chót khi nhà xưởng đã hoàn thành và chỉ đợi đặt ki, phải chăng Hải quân Việt Nam chuyển hướng chọn lớp tàu lớn hơn?

Ứng viến mới này chính là lớp tàu Sigma 10514, cũng do Tập đoàn Damen (Hà Lan) thiết kế vớichiều dài 105m rộng 14m và mớn nước 3,7m, có lượng giãn nước xấp xỉ 2.500 tấn.
Cấu hình vũ khí của Sigma 10514 không có nhiều khác biệt so với Sigma-9814 vốn đã được Damen chào bán cho Hải quân Việt Nam (HQVN), tuy nhiên kích thước lớn hơn cho phép độ tùy biến vũ khí và dự trữ hành trình của Sigma 10514 vượt trội hơn hẳn.
Điều này là cực kì cần thiết khi lực lượng tàu chiến mặt nước của HQVN đang thiếu những tàu tên lửa có lượng choán nước khá lớn và khả năng tác chiến xa bờ dài ngày.
Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn - Ảnh 1.
Phối cảnh tàu Sigma-10514 nhìn từ trên cao. Ảnh: Tập đoàn Damen
Khả năng phòng không hạm đội cần được tăng cường
Biên đội tác chiến tàu mặt nước của HQVN hiện đang thiếu một lớp tàu cỡ vừa, có khả năng phòng không bảo vệ biên đội trước các cuộc tấn công từ trên không. Sigma-10514 với cấu hình phòng không trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho biên đội tàu chiến Việt Nam.
Với việc trang bị tên lửa phòng không Aster-30, Sigma-10514 có thể lập một vùng phòng không có bán kính 120km quanh nó, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mối đe dọa nào từ trên không trong vùng bảo vệ, qua đó, nâng cao khả năng sống sót của các tàu trong biên đội.
Mặt khác Sigma 10514 cũng có thể đảm nhận việc chỉ huy và chỉ thị mục tiêu cho các tàu tên lửa tấn công nhanh Molynia và thậm chí là dẫn bắn cho các tên lửa Kh-35 nếu tích hợp được hệ thống điều khiển.
Nếu đặt mua, Sigma 10514 của HQVN sẽ mang cấu hình hiện đại nhất, với 8 tên lửa chống hạm cận âm Ecoxet block III với tầm bắn 180km, pháo hạm Oto Melara 76mm, hệ thống ngư lôi 324mm, 2 pháo bắn nhanh 20mm.
Đồng thời hệ thống VLS 12 ống trên Sigma 10514 cũng sẽ trang bị tên lửa phòng không tầm gần Aster-15 (tầm bắn tối đa 30km) thay cho tên lửa MICA, để biến nó thành tàu phòng không thực sự. Hoặc thậm chí là tên lửa phòng không tầm trung Aster 30 có thể diệt các mục tiêu bay ở cự ly tới 120km.
Xét về tính cấp thiết của việc cần sớm bổ sung một lớp tàu khu trục hạm có khả năng bảo vệ toàn bộ biên đội tàu tác chiến mặt nước trước các mối đe dọa từ trên không như Sigma-10514 là một lựa chọn khá hoàn hảo.
Sigma 10514 sẽ đảm nhiệm vị trí khu trục phòng không cấp 2 cho biên đội tàu chiến của HQVN cho tới khi chúng ta có thêm các tàu khu trục phòng cấp 1 với lượng giãn nước lớn hơn.
Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn - Ảnh 2.
Ảnh: Tập đoàn Damen
Lựa chọn cho tương lai
Được thiết kế theo dạng modul tích hợp nên khả năng tùy biến của Sigma 10514 rất cao, điều này không chỉ nằm ở sự đa dạng vũ khí trang bị đi kèm mà nó còn mở ra cơ hội tự đóng các tàu hộ vệ tên lửa cỡ vừa, có lượng choán nước cỡ 2.500 tấn trở lên trong tương lai, dựa trên Sigma 10514.
Thiết kế mở và hoàn toàn có thể tùy biến theo yêu cầu và nhiệm vụ được đưa ra, cũng như nâng cao trình độ đóng tàu khu trục cỡ nhỏ ở hiện tại và những loại tàu khác với lượng giãn nước lớn hơn.
Lựa chọn Sigma 10514 ở thời điểm này còn giải quyết được việc tăng nhanh số lượng tàu chiến mặt nước cho HQVN, đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố hiện đại, không bị lạc hậu so với khu vực và thế giới.
Để đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đòi hỏi Hải quân Việt Nam phải được đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa hơn nữa. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác phương Tây song song với đối tác truyền thống đáng tin cậy là Nga cũng sẽ góp phần thay đổi diện mạo cho Hải quân Việt Nam trong tương lai.