Tạp chí Jane’s dẫn nguồn tin từ Không quân Thụy Điển (SwAF) cho biết, lực lượng này vừa đưa vào trang bị tên lửa không đối không Meteor cho tiêm kích JAS-39 Gripen.
Meteor được thiết kế để có thể tiêu diệt mọi mối đe dọa trên không trong thế kỷ 21, với tầm bắn siêu xa lên tới 300km và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết cho tới các biện pháp áp chế điện tử của đối phương.
Meteor sẽ được trang bị cho hàng loạt máy bay chiến đấu của Châu Âu như EF-2000 Typhoon, JAS-39 Gripen, Rafale và F-35 Lightning II. Và sau khi được đưa vào sản xuất trong năm 2012 cho tới nay đã có hàng trăm đơn vị Meteor BVRAAM được MBDA bán cho các đối tác của mình.
Theo nhận định của Jane’s, việc tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển được trang bị tên lửa Meteor chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng. Trong đó, Việt Nam cũng được cho là đang để mắt tới máy bay JAS-39 Gripen trong việc tìm chiến đấu cơ thay thế MiG-21 nghỉ hưu.
Và với việc JAS-39 Gripen phát huy thế mạnh không chiến của mình bằng Meteor có thể khiến Việt Nam quan tâm. Vậy, tiêm kích này có cơ hội hiện diện trong Không quân Việt Nam?
Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, Gripen được trang bị những hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất của Thụy Điển và châu Âu trong đó nổi bật là radar xung Doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có tầm hoạt động tối đa 120 km.
Các công nghệ ứng dụng trên JAS-39 có 67% của Thụy Điển và châu Âu còn lại 33% là của Mỹ. Cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của Gripen gồm 1 pháo 27mm Mauser BK-27, tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Sidewinder và tên lửa không đối đất AGM-65 Maverich.
Tiêm kích Gripen với các đặc tính: nhỏ gọn, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng, chi phí bảo trì rẻ xứng đáng là ứng viên lý tưởng để thay thế MiG-21. Tuy nhiên, rất tiếc Việt Nam lại gặp phải những trở ngại sau nếu như có ý định mua máy bay này.
Trước hết, máy bay sử dụng động cơ Volvo Aero RM-12 mua lại bản quyền của Mỹ cùng toàn bộ vũ khí trang bị đều theo chuẩn Mỹ và NATO khiến Việt Nam khó có thể tiếp cận dù lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được Mỹ dỡ bỏ, nếu chuyển đổi sang nguồn cung của nước khác thì cực kỳ tốn kém.
Hơn nữa do các thiết bị trên máy bay đến từ quá nhiều quốc gia nên sẽ gây khó khăn cho nước sử dụng khi phải tiến hành sửa chữa, thay thế và mặc dù chỉ là tiêm kích nhẹ nhưng giá của JAS-39 lên tới trên 60 triệu USD, cao hơn cả Su-30MK2 hiện có trong trang bị của Không quân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét