Do khó khăn về kinh tế mà Ukraine sẵn sàng chuyển giao cho đối tác nước ngoài cả những công nghệ quốc phòng tối mật vốn không bao giờ được Nga chia sẻ.
Vì sao Ukraine sẵn sàng bán công nghệ quốc phòng tối mật?
Trong Liên bang Xô Viết cũ, Ukraine nắm giữ tới 30% nền công nghiệp quốc phòng của siêu cường quân sự này, họ sở hữu rất nhiều tổ hợp chế tạo vũ khí nổi danh như Hãng sản xuất máy bay Antonov, Nhà máy xe tải hạng nặng KrAZ hay Cục thiết kế tên lửa đạn đạo Yuzhnoye...
Đặc biệt, thế mạnh của Ukraine nằm ở hệ thống dẫn đường cho tàu ngầm, tên lửa; công nghệ radar; hay động cơ turbine khí cho xe tăng và tàu chiến. Những lĩnh vực này được đánh giá còn vượt trội cả nước Nga.
Tuy rằng Ukraine đủ điều kiện để xây dựng một ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Nga, nhưng đáng tiếc khó khăn về tài chính đã trở thành nguyên nhân chủ yếu kìm hãm nhiều kế hoạch lớn của họ.
Thậm chí gần đây tình trạng này còn trở nên ngày một bi đát, khủng hoảng kinh tế cùng với cuộc xung đột tại miền Đông đã hút gần như cạn kiệt mọi nguồn lực của quốc gia Đông Âu này.
Nhằm đối phó với tình trạng trên, Ukraine không còn con đường nào khác ngoài việc bán đi những công nghệ quốc phòng then chốt, do vũ khí nước này làm ra hầu như không thể xuất khẩu mà phải ưu tiên đưa ra chiến trường.
Cơ hội dành cho những quốc gia "nhanh chân"
Được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này của Ukraine không ai khác ngoài Trung Quốc, có thể khẳng định rằng nếu thiếu sự giúp sức của Kiev thì sức mạnh quân sự của Bắc Kinh không thể trở nên hùng mạnh như ngày nay.
Sau khi đồng ý nhượng lại chiếc hàng không mẫu hạm Varyag đang đóng dở để cải tạo thành tàu sân bay Liêu Ninh, Ukraine còn bất chấp can ngăn từ phía Nga để chuyển giao cả mẫu thử T-10K (tiền thân của Su-33), giúp Hải quân Trung Quốc phát triển thành công tiêm kích hạm J-15.
Không chỉ có vậy, Ukraine còn cung cấp cho Bắc Kinh công nghệ chế tạo tàu đổ bộ đệm khí "Bò rừng" Zubr để thành lập hạm đội vận chuyển lực lượng tốc độ nhanh, chuyên ứng phó với tác chiến đổ bộ bất ngờ hoặc chiến tranh đoạt đảo.
Gần đây nhất, Ukraine còn gây chấn động bằng việc bán các tài liệu liên quan đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Kopye cho một quốc gia châu Á. Mặc dù chưa công khai khách hàng cụ thể nhưng mọi sự chú ý đều tập trung vào Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy rằng do "khát tiền", Ukraine sẵn sàng bán đi cả những tinh hoa của nền công nghiệp quốc phòng nước mình, những thứ này không bao giờ Nga chia sẻ với đối tác dù là thân thiết nhất.
Sau khi nhìn qua thành công của Trung Quốc trong việc chớp thời cơ mua công nghệ quốc phòng giá rẻ từ Ukraine, câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có nên học tập, và nếu được thì nên tập trung vào lĩnh vực nào?
Mặc dù có mối quan hệ thân thiết từ xưa nhưng hợp tác quân sự Việt Nam - Ukraine vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Trong quá khứ, chúng ta mới chỉ có vài hợp đồng ít ỏi như nâng cấp năng lực tác chiến chống tàu cho cường kích Su-22; cung cấp động cơ tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, Molniya 1241.8; sửa chữa trực thăng săn ngầm Ka-28 và tên lửa không đối không R-27, R-73...
Đáng chú ý hơn cả là việc phía bạn đã nhượng lại cho Việt Nam các tài liệu liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng tiêm kích Su-27 với giá thành rẻ hơn rất nhiều nếu mua từ Nga.
Hiện tại, khi Ukraine vẫn đang chìm sâu trong khủng hoảng đồng thời Việt Nam lại bước vào đợt nâng cấp lớn quân đội với ưu tiên dành cho lục quân, chúng ta nên tiết kiệm thời gian cũng như kinh phí nghiên cứu để mua luôn công nghệ chế tạo một vài vũ khí tối tân.
Trong tương lai gần, khả năng cao là Việt Nam sẽ mua xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới từ Nga. Nhìn sang Ấn Độ, mặc dù quốc gia Nam Á này có nền khoa học kỹ thuật rất tiên tiến nhưng họ vẫn chưa sản xuất được đạn pháo công nghệ cao cho xe tăng T-90.
Nếu Việt Nam mua từng viên đạn pháo hay liều phóng dành cho đạn 125 mm thì chi phí bỏ ra sẽ là rất lớn và lại không thể tự chủ nguồn cung lúc cấp bách.
Việc mua công nghệ đạn từ Nga là bất khả thi, khi bất chấp lời đề nghị tha thiết và vị thế đối tác chiến lược đặc biệt của Ấn Độ, Nga vẫn nhất quyết không chuyển giao.
Do vậy, nếu đã quyết định mua xe tăng T-90 của Nga, Việt Nam không nên nhập khẩu đạn mà nên đầu tư mua luôn dây chuyền sản xuất đạn pháo 125 mm của Ukraine.
Chúng ta cũng có thể tính tới việc mua công nghệ chế tạo tên lửa chống tăng phóng qua nòng KOMBAT (biến thể AT-11), hay đạn pháo có điều khiển cỡ 152/155 mm kiểu Krasnopol-M. Những vũ khí trên đều là loại thông thường, chắc chắn Ukraine sẽ đồng ý bán nếu có yêu cầu.
Ngoài ra nằm trong chiến lược đầu tư cho Hải quân, Việt Nam còn nên mua công nghệ các loại radar cảnh giới hay điều khiển hỏa lực như Fregat, Mineral, MR-90, MR-123... và các loại hải pháo AK-176, AK-630 để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho tàu chiến đóng trong nước.
Mặc dù đa phần được khai sinh từ thời Liên Xô, nhưng các loại vũ khí, khí tài này có tiềm năng hiện đại hóa rất lớn, chúng vẫn còn phục vụ tích cực trên những dòng xe tăng, tàu chiến hiện đại nhất của Nga, Ukraine, Ấn Độ hay Trung Quốc.
Nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang có tiềm năng bay cao nếu áp dụng mô hình mà Trung Quốc đã thành công trước đó, nắm bắt được các công nghệ quốc phòng tối mật với chi phí rẻ là cơ hội ít khi tìm đến lần thứ hai.
Vì thế Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các kế hoạch xúc tiến nhằm chớp thời cơ, tránh việc phải nuối tiếc vì đã bỏ qua vận hội lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét