Những thông tin ban đầu cho biết, tàu pháo TT-400TP của Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị tên lửa phòng không SA-N-10 (9K38 Igla), tuy nhiên...
Mới đây trong bài báo "Huấn luyện tàu mặt nước tác chiến trên biển" đăng trên báo Quân đội nhân dân ra ngày 19/7 đã ghi lại một số cảnh luyện tập chiến đấu trên tàu pháo TT-400TP mang số hiệu 273 thuộc Lữ đoàn 167.
Một chi tiết rất đáng chú ý đó là bức ảnh chụp các chiến sĩ trong khoa mục tác chiến phòng không đã cho biết loại tên lửa trang bị cho lớp tàu pháo này không phải là SA-16 như thông tin ban đầu.
Theo chú thích của tấm ảnh trên, tàu pháo TT-400TP của Hải quân Nhân dân Việt Nam chỉ được trang bị tên lửa phòng không A72 (hay còn có tên gọi khác là SA-N-5), đây là biến thể hải quân của 9K32 Strela-2 (SA-7 Grail).
SA-7 là loại tên lửa đất đối không vác vai thế hệ đầu tiên của Liên Xô được dẫn hướng bởi đầu dò hồng ngoại thụ động tương tự như FIM-43 Redeye của Mỹ, chính thức đưa vào biên chế từ năm 1968. Mặc có hạn chế về tầm bắn, tốc độ và độ cao nhưng Strela-2 tỏ ra rất hữu hiệu khi chống lại các mục tiêu như máy bay bay thấp hoặc trực thăng.
Strela-2 có hai phiên bản là: 9K32 Strela-2 (SA-7A) phục vụ trong Quân đội Liên Xô từ năm 1968, nhưng nó sớm được thay thế bằng 9K32M Strela-2M (SA-7B) hiện đại hơn trong năm 1971. Biến thể SA-7B có một số cải tiến như lắp hệ thống làm lạnh đầu dò hồng ngoại nhằm tránh việc tên lửa bị đánh lừa bởi mồi bẫy nhiệt do máy bay phóng ra.
Ống phóng dành cho tên lửa 9K32/9K32M là loại 9P54/9P54M có chiều dài 1,47 m; đường kính thân 72 mm; trọng lượng 4,71 kg.
Tên lửa 9K32/9K32M gồm 4 tầng: tầng thứ nhất là đầu tự dẫn, tầng thứ 2 có cánh lái để điều khiển hướng bay (bằng cách thay đổi góc của cánh lái), tầng thứ 3 là phần chiến đấu, tầng cuối cùng là động cơ, phần cuối của động cơ có các cánh ổn định.
Thông số kỹ thuật của tên lửa 9K32/9K32M: chiều dài 1,44 m; đường kính 70 mm; trọng lượng 9,8/9,97 kg; đầu đạn 1,15 kg HE; tầm bắn tối đa 3,7/4,2 km; trần bay 1,5/2,3 km; tốc độ 430/580 m/s.
Việc tàu pháo TT-400TP số hiệu 273 (và có thể cả những chiếc khác) chỉ mang theo SA-N-5 thay vì SA-N-10 được dự đoán nhằm mục đích tận dụng nốt số tên lửa tồn kho cho công tác huấn luyện, khi cần thiết nó hoàn toàn đủ khả năng thay thế bằng loại SA-16 hiện đại hơn hay thậm chí là TL-01 do Việt Nam tự sản xuất trong nước nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét