Trong trường hợp Nhật Bản phê duyệt việc chuyển giao cho Việt Nam các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sẽ mở ra triển vọng lớn hơn để tiến tới viện trợ tàu chiến đã qua sử dụng.
Thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, thời gian qua Việt Nam đã có một số cuộc đàm phán với các đối tác từ nhiều quốc gia Âu, Mỹ. Tuy vậy, do ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp, chúng ta không thể mua ngay trang bị mới mà phải chấp nhận hàng đã qua sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tiêu biểu cho chiến lược trên là việc Việt Nam đã bày tỏ mong muốn nhận được tiêm kích F-16 hay máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cũ của Mỹ. Nhưng khác với F-16 thuộc chương trình EDA, đơn giá quá cao của P-3C sau tân trang đã khiến Việt Nam phải quay sang tìm nguồn cung từ Nhật Bản.
Hiện tại thông tin chúng ta muốn mua P-3C của Nhật Bản mới chỉ xuất hiện trên tờ Nikkei, sẽ còn một quãng đường dài để điều đó trở thành hiện thực. Nhưng nếu thành công, đây sẽ là tiền đề để Việt Nam có được nhiều vũ khí khác từ đối tác chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á, mà triển vọng sáng sủa nhất chính là tàu chiến đang nằm trong hạm đội dự bị.
Hải quân Nhật Bản được đánh giá là lực lượng mạnh thứ hai tại châu Á, trong biên chế của họ có nhiều lớp tàu mặt nước tiên tiến, năng lực chiến đấu cao nhưng tuổi đời lại khá ngắn. Khác với Hải quân Nga vẫn duy trì nhiều tàu đã phục vụ trên dưới 40 năm, chiến hạm Hải quân Nhật Bản thường "về hưu" khi chưa đến 30 tuổi trong tình trạng còn khá tốt.
Trước kia do hiến pháp Đất nước Mặt trời mọc ngăn cấm việc chuyển giao vũ khí cho nước ngoài nên nhiều con tàu buộc phải bán sắt vụn, nhưng hiện nay khi rào cản đã được dỡ bỏ thì triển vọng để Việt Nam có được chiến hạm cũ của Nhật Bản nhằm gia tăng nhanh chóng đội tàu mặt nước (tương tự như trường hợp lực lượng Kiểm ngư) là điều khả thi.
Vậy nếu có ý định trên, Việt Nam nên hỏi mua những lớp tàu chiến nào của Nhật Bản? Do đặc thù của một lực lượng viễn dương, Hải quân Nhật Bản thường đóng chiến hạm có lượng giãn nước rất lớn, trong khi nhu cầu của Việt Nam vẫn là tác chiến quanh khu vực biển Đông, cho nên có lẽ chỉ hai lớp tàu sau đây là phù hợp.
Đầu tiên là các khu trục hạm cỡ nhỏ thuộc lớp Hatsuyuki, gồm 12 chiếc được đóng trong giai đoạn 1979 - 1986. Ngoài 2 chiếc vẫn đang phục vụ, 4 chiếc bị hoán cải thành tàu huấn luyện, thì có 6 tàu khác đã nghỉ hưu và được đưa sang thành phần dự bị.
Lớp chiến hạm này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.050 tấn và lên tới 4.000 tấn khi đầy tải, mặc dù chức năng chính là chống ngầm nhưng tàu vẫn được trang bị đầy đủ tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon lẫn tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow, bên cạnh các loại ngư lôi, tên lửa săn ngầm chuyên dụng.
Nếu cảm thấy lớp Hatsuyuki hơi lớn và hơi cũ, Việt Nam có thể nhìn sang lớp Abukuma, đây là các khinh hạm đa năng có lượng giãn nước 2.500 tấn được phát triển từ "người tiền nhiệm" Yubari với nhiều cải tiến như áp dụng công nghệ tàng hình, nâng cấp thiết bị điện tử và sửa đổi hệ thống vũ khí.
Hiện tại 6 tàu thuộc lớp Abukuma vẫn đang hoạt động, nhưng chiếc đầu tiên đã vào biên chế từ năm 1989, trong khi chiếc "trẻ" nhất cũng đã phục vụ từ năm 1993, thời gian nhận sổ hưu đã cận kề trước mắt.
Nhờ được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 và hệ thống pháo bắn nhanh Phalanx, rocket chống ngầm RUR-5 ASROC cùng ngư lôi 324 mm HOS-301, sức mạnh của Abukuma tỏ ra không hề thua kém Gepard 3.9.
Nếu trong tương lai chúng ta đàm phán thành công việc nhận chuyển giao tàu chiến cũ của Nhật Bản, hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn cả về chất lẫn lượng, phương án này tỏ ra còn ưu việt hơn đề xuất mua lại khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ nhiều lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét