Trong những năm gần đây, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đã trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc.
Theo số liệu được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhoml (SIPRI) công bố, trong giai đoạn 2010 - 2015, Israel đã vươn lên giữ vị trí nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Nga. Những hợp đồng đáng chú ý nhất giữa hai quốc gia được liệt kê bao gồm:
- 3 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER-SR (40 triệu USD/hệ thống gồm radar, trạm điều khiển, 4 xe mang phóng và 32 tên lửa) cùng 125 quả tên lửa đánh chặn Python-5 (500.000 USD/quả) và 125 tên lửa Derby (1,2 triệu USD/quả). Dự kiến Việt Nam sẽ mua tiếp phiên bản tầm trung SPYDER-MR có đơn giá lên tới 70 triệu USD/hệ thống.
- 20 hệ thống rocket dẫn đường phòng thủ bờ biển sử dụng đạn EXTRA và ACCULAR, tuy không công bố số lượng đạn cụ thể kèm theo nhưng với giá trị 300.000 USD cho một quả đạn EXTRA, 30.000 USD/đạn ACCULAR, cùng với 525.000 USD cho 1 tổ hợp UAV Orbiter thì quy mô của hợp đồng trên không hề nhỏ.
- 2 tổ hợp radar cảnh giới đường không EL/M-2088 AD-STAR (33 triệu USD) cùng với 3 radar trinh sát hàng hải EL/M-2022 để lắp đặt cho các thủy phi cơ DHC-6.
- Dây chuyền sản xuất súng trường tấn công Galil ACE 31/32 có trị giá 170 triệu USD cùng 150 xe bọc thép RAM-2000 để trang bị cho Cảnh sát cơ động.
Bên cạnh đó còn xuất hiện thông tin Việt Nam hiện đang dành sự quan tâm đặc biệt tới tên lửa chống tăng Spike NLOS, lựu pháo tự hành ATMOS 2000 cỡ 155 mm, hệ thống radar Phalcon để lắp đặt trên máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không hay dự án nâng cấp xe tăng T-54/55 với các thành phần do Israel sản xuất...
Như vậy có thể nhận thấy khối lượng vũ khí Israel bán cho Việt Nam đang ở mức rất lớn, dự kiến sẽ cán mốc 1 tỷ USD trong tương lai gần. Việt Nam đã trở thành khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Israel trong khu vực Đông Nam Á dựa trên việc so sánh với các hợp đồng đáng chú ý đã thực hiện, cụ thể như sau:
Singapore đặt mua 2 hệ thống phòng không SPYDER-SR, 4 radar EL/W-2085, 1 radar EL/M-2022, 5 UAV Heron; Thái Lan mua 12 pháo tự hành ATMOS, 4 UAV Aerostar; Indonesia mua 4 UAV Searcher-2; Philippines mua 12 radar EL/M-2032, 3 radar EL/M-2288; trong khi Myanmar tiếp nhận 120 xe bọc thép EE-9 Cascavel cùng 6 tàu tuần tra Super Dvora.
Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Azerbaijan (đã chi tới 1,6 tỷ USD chỉ để mua các hệ thống phòng không) trong khi vẫn qua mặt nhiều cường quốc như Brazil, Ba Lan, Colombia... do những quốc gia khác chỉ tập trung vào các phiên bản tên lửa chống tăng Spike, radar cảnh giới, tên lửa không đối không... chứ không đa dạng về chủng loại như Việt Nam.
Với chính sách đa dạng hóa vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự mà trong đó trọng tâm đầu tư dành cho Hải quân, Phòng không - Không quân cũng như Thông tin liên lạc (các thế mạnh của Israel), cho nên đã có ý kiến nhận định rằng trong thời gian tới, Việt Nam còn có thể trở thành bạn hàng vũ khí lớn thứ hai của quốc gia Trung Đông này, chỉ sau Ấn Độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét