Trong biên chế chiến đấu của Quân đội Nga, hệ thống phòng không tầm xa S-300/400 thường được bảo vệ bởi các tổ hợp Pantsir-S1.
Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng ta cũng đi theo mô hình tương tự, tuy nhiên do còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như tiềm lực tài chính mà trọng trách "cận vệ" của S-300PMU-1 đã được giao cho pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka.
Ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ, mặc dù đã được hiện đại hóa nhẹ nhưng nhìn chung nhiệm vụ bảo vệ S-300 đối với ZSU-23-4 vẫn là hơi quá sức do thiếu hệ thống điều khiển hỏa lực tin cậy cũng như tầm bắn hiệu quả tương đối hạn chế.
Khi mà ngân sách quốc phòng chưa đáp ứng được ngay nhu cầu mua sắm các loại khí tài tối tân thì nâng cấp những hệ thống pháo phòng không tự hành cũ này lên các chuẩn mới nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến tỏ ra là phương án hợp lý hơn nhiều.
Trên thế giới đã có một số quốc gia giới thiệu những gói tân trang dành cho Shilka như ZSU-23-4M4 của Belarus hay Donets do Ukraine thực hiện... tuy nhiên nổi tiếng hơn cả, đồng thời cũng nhận được nhiều sự tin cậy nhất lại là ZSU-23-4MP Biala của Ba Lan.
Về cơ bản, thay đổi đáng kể nhất giữa ZSU-23-4MP Biala và Shilka nguyên bản là radar điều khiển hỏa lực 1RL33 đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng hệ thống ngắm quang điện tử kỹ thuật số để dẫn bắn cho tên lửa đất đối không PZR Grom do Ba Lan sản xuất dựa trên nguyên mẫu 9K38 Igla (SA-18 Grouse) của Liên Xô.
Với tầm bắn tối đa 5,5 km; trần bay 3,5 km; tốc độ lớn nhất 650 m/s; Grom là sự bổ sung cần thiết cho 4 khẩu pháo tự động AZP-23 cỡ 23 mm nguyên bản vốn có cự ly tác xạ hiệu quả chỉ từ 2,5 đến 3 km.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất Zakłady Mechaniczne còn phát triển thêm một loại đạn 23 mm thế hệ mới, giúp kéo dài phạm vi tác chiến cho pháo thêm 0,5 - 1 km nữa.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 70 hệ thống ZSU-23-4MP Biala nâng cấp được chuyển giao cho Quân đội Ba Lan như một giải pháp kinh tế hơn so với PZA Loara - pháo phòng không tự hành 35 mm áp dụng công nghệ phương Tây.
Nhờ mối quan hệ thân thiết cả về kinh tế lẫn quốc phòng được xây dựng từ lâu đời, kết hợp với việc phía Ba Lan luôn tỏ ra sẵn sàng chuyển giao công nghệ, Việt Nam có thể cân nhắc phương án nâng cấp những tổ hợp Shilka cũ của mình lên chuẩn Biala để trở thành người "lính cận vệ" tốt của S-300.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét