Thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng chiếc tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 đã được nâng cấp lên chuẩn Su-27UBM dựa vào màu sơn xanh tương tự Su-30MK2.
Nhận định này không phải không có cơ sở, khi tiêm kích Su-27UBK với cấu hình 2 người điều khiển nếu được nâng cấp lên chuẩn Su-27UBM sẽ tiệm cận gần nhất với Su-30MK2, khác hẳn Su-27SKM chỉ có một phi công duy nhất.
Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào màu sơn thì quá lạc quan, vì rất có thể sắc rằn ri xanh cỏ mía sẽ là màu chuẩn của các chiến đấu cơ phục vụ trong Không quân Việt Nam từ nay trở về sau.
Và quan trọng hơn, tất cả những phát ngôn, tuyên bố chính thức tính đến thời điểm này đều chỉ khẳng định việc Việt Nam đã làm chủ công nghệ sửa chữa lớn tiêm kích Su-27 chứ không bao gồm năng lực nâng cấp giữa vòng đời như nhiều người kỳ vọng.
Đầu tiên, theo Báo Quân đội Nhân dân, Nhà máy A32, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa vào vận hành "Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30" từ tháng 10/2013.
Dây chuyền công nghệ này là cơ sở quan trọng bảo đảm lâu dài cho hoạt động hiệu quả, an toàn, có độ tin cậy cao của máy bay Su-27/30 và các thế hệ tiếp theo. Từ đây, việc sửa chữa máy bay Su-27/30 đã không còn phải phụ thuộc nhiều vào nhà máy của nước ngoài như trước kia nữa, giúp tiết kiệm một lượng ngoại tệ lớn cho đất nước.
Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển của ngành kỹ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc bảo quản, sửa chữa các vũ khí, trang bị công nghệ cao, bảo đảm sức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Gần đây nhất, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đảm, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân một lần nữa cho biết: "Hiện nay nhà máy đã đủ năng lực sửa chữa ở mức đại tu máy bay Su-27, điều đó góp phần chủ động về đảm bảo kỹ thuật của Su-27, Su-30, những loại máy bay hiện đại hàng đầu trên thế giới".
Như vậy thông qua các phát ngôn chính thức, đã đủ cơ sở để đi tới nhận định rằng dây chuyền tại Nhà máy A32 chỉ có chức năng đại tu, sửa chữa lớn chứ không kèm theo nâng cấp giữa vòng đời giúp Su-27 trở thành chiến đấu cơ đa năng.
Đây là điều không gây bất ngờ do quá trình hiện đại hóa đòi hỏi phải can thiệp rất sâu vào máy bay để thay thế nhiều trang thiết bị phần cứng cũng như phần mềm tân tiến hơn, việc làm này rất phức tạp và khó khăn, đặc biệt với một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng chưa thực sự phát triển như Việt Nam.
Nhưng trong tương lai, khi đã nắm vững toàn bộ công nghệ sửa chữa tăng hạn chúng ta sẽ được quyền nghĩ tới việc tự nâng cấp Su-27 trong nước, nhất là khi Thiếu tướng Nguyễn Văn Đảm đã cung cấp thêm thông tin: "Trong tương lai nhà máy sẽ tiếp tục được đầu tư để hoàn thiện công nghệ sửa chữa máy bay Su-27 và tiến tới sửa chữa đại tu được máy bay Su-30".
Nếu đã làm chủ mọi mặt về kỹ thuật đối với Su-30 thì việc quay lại, áp dụng công nghệ mới lên Su-27 để giúp cho chúng có sức mạnh tương đương thế hệ tiêm kích sau là quy trình hợp lý hơn nhiều, hy vọng rằng đây chính là hướng đi mà Việt Nam đang nhắm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét