Sự cố kỹ thuật làm chiếc máy bay huấn luyện phản lực L-39 bị rơi ở Phú Yên sáng nay và đã khiến phi công hy sinh, Việt Nam cần ngay lập tức mua tiêm kích huấn luyện Yak-130.
L-39 là máy bay huấn luyện rất tốt
L-39 là loại máy bay huấn luyện phản lực tốt nhất thế giới, được không quân nhiều quốc gia tin dùng và đặc biệt là các phi công dân sự của cả Mỹ và châu Âu đều rất ưa thích.
Ngay cả với Không quân Nga, dù đã có trong tay tiêm kích huấn luyện Yak-130 hiện đại, nhưng L-39 vẫn còn tiếp tục được tin dùng trong hàng chục năm nữa. Trong nhiều năm qua, trong khi một số loại máy bay tiêm kích hiện đại gặp sự cố với tần suất cao thì L-39 vẫn cần mẫn, bền bỉ nâng cánh cho những phi công quân sự phản lực của họ.
Riêng Không quân Việt Nam hiện có tổng cộng khoảng 40 chiếc, 24 chiếc L-39C chuyển giao trong giai đoạn 1980-1981 từ Cộng hòa Czechoslovakia (sau này tách thành 2 quốc gia độc lập là CH Séc và CH Slovakia) và mua bổ sung ít nhất 10 chiếc L-39Z trị giá khoảng 6 triệu USD từ Cộng hòa Séc trong năm 2003.
Các máy bay L-39Z dù mới nhận nhưng đều là loại đã qua sử dụng nhưng được đại tu, sửa chữa lớn trước khi chuyển giao.
L-39 được biên chế cho Trung đoàn Không quân 910 thuộc Trường SQKQ để thực hiện nhiệm vụ đào tạo phi công phản lực có trình độ bay, kỹ thuật lái, dẫn đường và kỹ năng chiến đấu cơ bản, có đủ điều kiện để bay chuyển loại sang các loại máy bay chiến đấu.
Chiếc L-39C số hiệu 8705 do học viên phi công Phạm Đức Trung điều khiển gặp sự cố sáng nay thuộc loạt máy bay đầu tiên của dòng này được chuyển giao cho Việt Nam từ những năm 1980, đã qua 36 năm sử dụng.
L-39 góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tự đào tạo được phi công chiến đấu phản lực. Hầu hết phi công, kể cả lái Su-27/30 của Việt Nam đều đã trải qua quá trình bay huấn luyện trên L-39.
... nhưng đã đến lúc cần phải thay thế
Qua hơn 35 năm sử dụng, hầu hết các máy bay huấn luyện phản lực L-39 của Không quân Việt Nam đã cũ, mặc dù chúng ta đã làm chủ được công nghệ sửa chữa lớn, đại tu từ A-Z, sản xuất được lốp chuyền dùng cho dòng máy bay này, nên cần sớm tìm được ứng viên để làm người kế nhiệm hoàn hảo.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), nếu chỉ xét các tiêu chí về đặc tính kỹ chiến thuật, giá thành, chi phí vận hành, bảo dưỡng sửa chữa thì Yak-130 có nhiều lợi thế so với các loại máy bay tương tự hiện có trên thế giới. Đây dường như là ứng viên sáng giá nhất để thay cho L-39.
Yak-130 được phát triển dựa tư duy hoàn toàn mới, ứng dụng nhiều công nghệ hàng không tiên tiến nhất và có thiết kế mở, tạo ra khả năng nâng cấp không giới hạn. Nhờ vậy, cấu hình có thể tùy biến theo yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể.
Yak-130 có thể tích hợp với nhiều khí tài, thiết bị điện tử hàng không và vũ khí mới như tên lửa đối đất, đối không, bom có điều khiển chính xác hiện có và sẽ được phát triển trong tương lai để có thể đảm đương nhiệm vụ tiến công mặt đất hoặc tiêm kích phòng không.
Tất nhiên, khó có thể đòi hỏi các tính năng này tuyệt hảo như những máy bay chiến đấu đa năng hoặc chuyên nhiệm. Bởi lẽ, Yak-130 được thiết kế chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện phi công chiến đấu phản lực thế hệ 4 và thế hệ 5 và trong tương lai, máy bay tiêm kích chủ lực của Việt Nam vẫn phần nhiều đến từ Nga.
Với mức giá cơ sở ước tính chỉ rơi vào tầm 15 triệu USD mỗi chiếc, quá hời cho bất cứ khách hàng nào quan tâm đến nó. Với Việt Nam, nếu đặt mua, chắc chắn phía Nga sẽ có những ưu đãi tốt hơn so với những bạn hàng khác.
Đến ngay Không quân Nga còn tin dùng và đang sản xuất ngày càng nhiều để hiện đại hóa lực lượng máy bay huấn luyện phản lực của họ thì không lý gì Việt Nam lại nghi ngờ về tương lai của dòng máy bay này. Thêm nữa, nếu Việt Nam mua, chắc chắn nguồn phụ tùng, dịch vụ thay thế sửa chữa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đây là những yếu tố tiên quyết nếu Việt Nam quyết định mua Yak-130, bởi lẽ phù hợp điều kiện kinh tế, vừa giúp đảm bảo duy trì hệ số kỹ thuật ở mức cao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện phi công, góp phần đưa Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại.
Lộ trình mua sắm máy bay mới có thể sẽ tiến hành từ từ tùy thuộc vào điều kiện phát triển của nền kinh tế, nhưng rõ ràng, ngay từ lúc này, Không quân Việt Nam cần nhanh chóng lựa chọn cho mình một ứng viên tốt nhất, có thể là Yak-130 hoặc bất cứ loại máy bay nào khác.
Các máy bay mới sẽ bổ sung dần dần vào đội hình máy bay huấn luyện phản lực, thay thế những chiếc cũ nhất, còn L-39 chỉ giữ lại những chiếc tốt nhất, có hệ số kỹ thuật cao nhất, đảm bảo công tác huấn luyện phi công được duy trì liên tục và liên tục.
Hy vọng, trong tương lai không xa, các Yak-130 sẽ nâng cánh bay cho các phi công tiêm kích Việt Nam để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét