Trung tâm phân tích thị trường vũ khí toàn cầu Nga (TSAMTO) công bố báo cáo mới: Chi 8 tỷ USD mua vũ khí hiện đại để bảo vệ chủ quyền, diện mạo QĐND Việt Nam thay đổi ngoạn mục!
Việt Nam đã chi 8 tỷ USD mua vũ khí hiện đại!
Theo Báo cáo thường niên về thị trường vũ khí toàn cầu năm 2015 (ЕЖЕГОДНИК ЦАМТО – 2015) mới nhất của Trung tâm phân tích thị trường vũ khí toàn cầu Nga (TSAMTO), trong giai đoạn 8 năm, từ 2007 tới 2014, Việt Nam đã chi tổng cộng gần 8 tỷ USD để mua vũ khí hiện đại.
Được biết đây là báo cáo của một trong những tổ chức nghiên cứu uy tín hàng đầu thế giới, được giới chuyên môn quân sự đánh giá rất cao và coi là nguồn dữ liệu tham khảo đặc biệt tin cậy, luôn cập nhật đầy đủ, toàn diện và chi tiết nhất về các động thái mua sắm, xuất, nhập khẩu và chuyển giao vũ khí của hầu hết các quốc gia.
Như vậy, mặc dù năm cao, năm thấp, nhưng tính bình quân mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam ước đạt chừng 1 tỷ USD.
Trong đó, có 3 mốc tăng trưởng đột biến vào các năm 2009 (hơn 3,8 tỷ USD), 2010 (gần 1,2 tỷ USD) và 2013 (hơn 2,4 tỷ USD), các năm còn lại trong giai đoạn này (2007-2014) đều có số chi không đáng kể.
Mặc dù điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, trong gian đoạn này Việt Nam đã có nhiều cố gắng đầu tư cho hiện đại hóa quân đội, đáp ứng phần nào yêu cầu thay thế vũ khí hầu hết đã cũ và bổ sung một số vũ khí mũi nhọn nhằm tăng cường năng lực phòng thủ đất nước.
Tuy nhiên, con số 8 tỷ USD quả là bé nhỏ, chỉ đứng thứ 23 trong top các quốc gia chi nhiều tiền nhất cho nhập khẩu vũ khí, chưa là gì so với những quốc gia lắm của nhiều tiền như Arab Saudi (87 tỷ USD), Ấn Độ (47 tỷ USD), Australia (33 tỷ USD), UAE (32 tỷ USD), Iraq (24 tỷ USD).
Nhìn sang các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước láng giềng, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn, thua xa Hàn Quốc (19 tỷ USD), Đài Loan (19 tỷ USD), Singapore (15 tỷ USD), Indonesia (13 tỷ USD),...
Với tiềm lực công nghiệp quốc phòng rất mạnh, đủ sức chế tạo hầu hết mọi loại vũ khí, trang bị hiện đại, nhưng Nhật Bản, Trung Quốc cũng phải chi số tiền khá lớn để nhập khẩu vũ khí hiện đại, lần lượt là 9 tỷ USD và 8,5 tỷ USD.
Lột xác mạnh mẽ - Đón chờ làn sóng mới!
Nhu cầu mua sắm vũ khí mới, hiện đại để tăng cường sức mạnh phòng thủ của Việt Nam là hoàn toàn chính đáng, không phải chạy đua vũ trang và càng không phải để tấn công bất kỳ quốc gia nào khác.
Trở lại với con số 8 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu vũ khí, có 3 mốc tăng trưởng đột biến vào các năm 2009, 2010 và 2013 hoàn toàn trùng khớp với những đợt mua sắm lớn nhất trong lịch sử của Quân đội Việt Nam. Trong đó, Nga luôn đóng vai trò là nguồn cung vũ khí hiện đại lớn và tin cậy nhất. Cụ thể:
Năm 2009, Việt Nam chi hơn 3,8 tỷ USD tương ứng với việc ký hợp đồng với Nga mua 6 tàu ngầm Kilo-636 và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động của các tàu ngầm này; đóng 4 tàu tuần tra cao tốc Svelyak; 8 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 và một số vũ khí trang bị khác.
Năm 2010, Việt Nam tiếp tục chi gần 1,2 tỷ USD tương ứng với hợp đồng mua 12 Su-30MK2, tiếp nhận các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P hiện đại (sử dụng tên lửa diệt hạm Yakhont), triển khai hợp đồng đóng 10 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya theo chuyển giao công nghệ của Nga,..
Năm 2013, bắt đầu giải ngân cho hợp đồng đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9 (cặp tàu thứ 2, ký tháng 10/2012), tiếp tục mua thêm 12 chiếc tiêm kích đa năng để trang bị cho trung đoàn Su-30MK2 thứ 3.
Trong giai đoạn này, ngoài bạn hàng truyền thống tin cậy là Nga, Việt Nam bắt đầu mở rộng nguồn cung đa dạng hơn khi tiếp cận mạnh mẽ với Israel, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ukraine để mua sắm bổ sung nhiều loại vũ khí hiện đại như radar, tên lửa phòng không, pháo phản lực, máy bay và trực thăng vận tải thế hệ mới.
Tất cả những vũ khí mới đã và đang góp phần thay đổi mạnh về chất, tăng cường sức mạnh phòng thủ của QĐND Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới.
Các chuyên gia quân sự đều thống nhất rằng, trong tương lai, nhu cầu mua sắm của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh, sẽ có một làn sóng mới, nhất là khi Hoa kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của họ đã tích cực xúc tiến chào hàng nhằm cạnh tranh với Nga chinh phục thị trường nhiều tỷ USD này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét