Mới đây, ngay sau khi Nga công bố kế hoạch sẽ đưa vào trang bị thế hệ tên lửa hành trình siêu thanh mang tính cách mạng từ năm 2020, giới chức Lầu Năm góc cũng đã ngay lập tức có động thái khởi động các chương trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới với mục tiêu ngăn chặn dòng vũ khí lợi hại này của Nga.
Theo nguồn từ từ hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin, Lầu Năm góc đang đánh giá và tính toán các phương án đối phó với thế hệ tên lửa hành trình mới của Nga với việc phát triển phiên bản nâng cấp sâu của tổ hợp tên lửa đánh chặn tầng cao giai đoạn cuối THAAD-ER và hệ thống vũ khí laser năng lượng cao.
Mục đích chính của các hệ thống vũ khí trên là phải bắn hạ tên lửa của đối phương trước khi nó đạt tới vận tốc siêu thanh không thể ngăn chặn.
Liên quan tới vấn đề này, hồi đầu tuần, Cơ quan phụ trách các Dự án nghiên cứu tương lai (DARPA) thuộc Lầu Năm góc đã tiến hành mở thầu dự án phát triển tổ hợp vũ khí phòng không có khả năng ngăn chặn cùng lúc hàng trăm mục tiêu cỡ nhỏ.
Mục tiêu này xét về ý nghĩa chiến thuật cũng tương tự như các tên lửa hành trình tấn công của đối phương. Chính vì lý do này, giới chuyên gia quân sự nhận định, đây có thể là những bước đầu tiên của Quân đội Mỹ tìm kiếm dòng vũ khí năng lượng mới có khả năng đối trọng với tên lửa hành trình của Nga.
Cần nhấn mạnh rằng, Mỹ hiện cũng sở hữu công nghệ tên lửa siêu thanh phóng trên bầu khí quyển ở cấp độ tinh vi. Tuy nhiên, do không phải là lĩnh vực phát triển ưu tiên, nên sản phẩm tên lửa siêu thanh của Mỹ không thể so sánh được với những "đối thủ" đến từ xứ sở Bạch Dương.
"Các chương trình vũ khí của Mỹ có thể đối trọng với tên lửa thế hệ mới của Nga chỉ nhận được mức phân bổ tài chính rất hạn hẹp và khó có thể được hiện thực hóa ở mức thành phẩm quân sự", chuyên gia hoạch định chính sách và chiến lược Mark Schneider, một cựu chuyên viên làm việc tại Lầu Năm góc nhận định.
Theo lời ông này, không giống như Nga, đối với giới chức quân sự Mỹ thì "tất cả những loại vũ khí thông thường sẽ không bao giờ nhận được ưu tiên như vũ khí hạt nhân".
Trong khi đó, giới thiệu về thế hệ tên lửa hành trình siêu thanh mới, giám đốc Tập đoàn Tactical Missiles (Nga), Boris Obnosov tiết lộ tên lửa mới của Nga sẽ có những đặc điểm mang tính cách mạng: "Tên lửa có thể đạt tốc độ di chuyển nhanh tới không tưởng.
Khi bay lên bầu khí quyển Trái đất, nó có thể vận tốc tới Mach 12 (gấp 12 lần vận tốc âm thanh), tương đương tốc độ vũ trụ cấp 1. Với vận tốc như vậy, việc phát hiện ra nó đã khó, chứ chưa tính tới khả năng ngăn chặn".
Cùng chung đánh giá này, Đô đốc Hải quân Mỹ Cecil Haney, Tư lệnh lực lượng Chiến lược Mỹ nhận định, công nghệ tên lửa và phương tiện bay siêu thanh mới của Nga thực sự là "rất nguy hiểm và chưa có biện pháp đối phó hiệu quả".
Ngoài chức năng quân sự, ông B. Obnosov nhấn mạnh, công nghệ tên lửa mới trong tương lai có thể là xương sống của nền kinh tế Nga khi áp dụng vào các lĩnh vực dân sự, hàng không vũ trụ.
"Sự phát triển của công nghệ tên lửa siêu thanh mới sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt ngành, lĩnh vực liên quan, cũng như toàn bộ nền kinh tế của Nga", ông B. Obnosov. Theo lời ông này, công nghệ mới có thể tạo sự thay đổi kỹ thuật tên lửa mang tính cách mạng như sự kiện Liên Xô lần đầu tiên phóng vệ tinh Sputnik I lên quỹ đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét