Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Lá chắn tên lửa đầu tiên ở châu Á

Lá chắn tên lửa đầu tiên ở châu Á

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên tại châu Á tự phát triển lá chắn tên lửa giúp nâng cao sức mạnh cho New Delhi, nhưng cũng có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực.

Năm 2012, thế giới bắt đầu biết về lá chắn tên lửa của Ấn Độ khi nước này thử nghiệm đánh chặn thành công mục tiêu giả định. Ngày 31/11/2012, tên lửa đánh chặn Akash và Prithvi đã phá hủy thành công mục tiêu giả định tên lửa đạn đạo đối phương ở độ cao lần lượt 30 km và 120 km.
Sự kiện này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Israel và Nga xây dựng thành công lá chắn tên lửa.
Vì sao Ấn Độ cần lá chắn tên lửa?
Balraj Nagal, nhà phân tích thuộc Quỹ Nghiên cứu Hòa bình Carnegie lập luận, có rất nhiều yếu tố mang tính lịch sử và chính trị thúc đẩy Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa. Đầu tiên phải nhắc đến là yếu tố Pakistan. Căng thẳng chính trị giữa 2 nước vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Lá chắn tên lửa đầu tiên ở châu Á - Ảnh 1.
Tên lửa đánh chặn Ashwin rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: IBTimes
Hai nước thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang vào năm 1947, 1965, 1971 và gần đây nhất là chiến tranh Kargil năm 1999. Vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào Mumbai năm 2008 được cho là có liên quan đến Pakistan.
New Delhi mong muốn thông qua việc xây dựng lá chắn tên lửa sẽ làm hạn chế mối đe dọa từ Pakistan. Một yếu tố khác khiến New Delhi lo lắng là một cuộc tấn công ngoài ý muốn bằng tên lửa đạn đạo có thể gây ra bởi lực lượng cực đoan ở Pakistan.
Qua chương trình lá chắn tên lửa, Ấn Độ muốn xây dựng khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Pakistan ngay loạt tấn công đầu tiên để tiến hành cuộc tấn công đáp trả. Mặc khác, sự trỗi dậy không ngừng của quân đội Trung Quốc cũng góp thêm yếu tố thúc đẩy Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa.
Lịch sử hình thành
Theo Arms Control, những năm 1990, DRDO bắt đầu phát triển khái niệm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Chương trình được chia làm 2 phần, đánh chặn tầm cao ngoài khí quyển và bên trong khí quyển.
Phần đánh chặn tầm cao được gọi là Prithvi Air Defence (PAD). Trong đó sử dụng biến thể sửa đổi từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi để đánh chặn tên lửa bên ngoài bầu khí quyển. Bộ phận tầm thấp gọi là Advanced Air Defence (AAD) sử dụng tên lửa đánh chặn Ashwin để tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở độ cao dưới 30 km.
Mục tiêu của chương trình là phát triển thành công một hệ thống tên lửa có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 2.000 km vào năm 1997. Tuy nhiên do không đủ năng lực công nghệ cũng như những rào cản từ cộng đồng quốc tế chương trình gần như đứng yên tại chỗ.
Sau đó DRDO đã bí mật đàm phán với Nga để mua công nghệ phòng thủ tên lửa từ hệ thống S-300, mua radar cảnh báo sớm từ Israel cũng như phối hợp với Pháp để phát triển radar điều khiển hỏa lực. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở một phần công nghệ bản địa và một phần công nghệ nước ngoài.
Năm 2001 chính quyền Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo. New Delhi nhanh chóng nắm bắt cơ hội và trở thành quốc gia đầu tiên công khai ủng hộ kế hoạch của Washington.
Từ năm 2002, Ấn Độ thường xuyên trao đổi cấp chuyên gia với Mỹ về xây dựng lá chắn tên lửa. Phía Mỹ đề xuất ý tưởng hợp tác phát triển lá chắn tên lửa chung với Ấn Độ.
Mỹ muốn “mượn tay” Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc. Với New Delhi, Washington là sự đảm bảo về mặt chính trị đối với cộng đồng quốc tế cũng như học hỏi thêm công nghệ tối tân để hoàn thiện lá chắn tên lửa.
Các nhà phân tích nhận định, việc Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa có thể đẩy khu vực châu Á vào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc và Pakistan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét