Hôm 14/9, Mỹ-Israel đã ký kết gói viện trợ quân sự trị giá lên đến 38 tỷ USD - gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử Washington dành cho đồng minh.
Thỏa thuận mới đạt được giữa hai quốc gia đồng minh thân cận này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi gói viện trợ hiện tại kết thúc vào năm 2018 và sẽ kéo dài trong vòng 10 năm.
Theo đó, trong số 38 tỷ USD viện trợ này, khoảng 5 tỷ USD sẽ được Mỹ dành cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel. Được biết, Mỹ và Israel bắt đầu đàm phán về thỏa thuận gói viện trợ quân sự mới vào tháng 11/2015.
Nhưng hai bên đã vấp phải nhiều bất đồng trong nhiều vấn đề bao gồm việc Israel yêu cầu Mỹ phải gia tăng khoản viện trợ thêm ít nhất là 1,5 tỷ USD/năm so với gói viện trợ cũ khoảng 3,1 tỷ USD/năm;
Mỹ yêu cầu toàn bộ khoản tài chính viện trợ sẽ được sử dụng để mua các trang thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, trong khi Israel đòi hỏi một phần trong gói viện trợ sẽ được quy đổi ra đồng nội tệ để mua các sản phẩn quốc phòng do nước này tự sản xuất…
Việc Mỹ đồng ý nâng mức viện trợ lên 3,8 tỷ USD/năm là một thành công của Israel. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chiến lược gia quân sự, không phải ngẫu nhiên Mỹ lại hào phóng với Israel như vậy - một quốc gia đồng minh đang sở những công nghệ quốc phòng khiến cường quốc Mỹ cũng phải thèm muốn.
Và đây rất có thể là cách Mỹ tiếp cận với công nghệ đỉnh cao của Israel thông qua hình thức viện trợ.
- Hệ thống Iron Dome (Vòm sắt)
Hiệu quả của Iron Dome đã gây ấn tượng mạnh vào cuối năm 2012, khi nó hạ được 3 trong số 4 tên lửa trên bầu trời Tel- Aviv.
Điểm đặc biệt là Iron Dome được thiết kế để không đánh chặn các tên lửa nếu theo tính toán chúng sẽ bay đến các khu vực không dân cư (rất tiết kiệm), và ngoài tất cả những ưu điểm khác, nó còn rất hiệu quả kể cả trong đánh chặn các tên lửa phóng loạt lẫn những đầu đạn riêng rẽ.
Ví dụ, trong số 1.500 quả tên lửa bắn vào Israel tháng 11/2012, 500 quả đã bị bắn hạ, số còn lại rơi xuống các khu vực sa mạc, xuống biển và không gây tổn thất nào cho Israel. Ngoài ra, trong thử nghiệm, Iron Dome còn đánh chặn được cả đạn cối.
Tổ hợp Iron Dome gồm có tên lửa đánh chặn Tamir, trung tâm điều khiển tác chiến, tổ hợp (bệ) phóng và radar giám sát, khóa mục tiêu và dẫn đường EL/M-2084 của Israel Aerospace Industries Elta Systems (IAI Elta như đã nói ở phần trước).
Một radar và một trung tâm điều khiển có thể sử dụng cho 2 tổ hợp phóng tên lửa. Radar chỉ tọa độ mục tiêu cho Tamir và đảm bảo dữ liệu cho Tamir trong suốt thời gian bay mặc dù trên Tamir có radar riêng và tự thực hiện nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu ở giai đoạn cuối .
Hiện nay, Không quân Israel có 9 đại đội Iron Dome. Dự tính đặt mua thêm 15 hệ thống nữa (phần lớn bằng kinh phí của Mỹ). Thông tin mới nhất liên quan đến Iron Dome. Ngày 18/5/2016 đã xuất hiện thông tin về việc thử nghiệm thành công hệ thống phòng Iron Dome trên tàu có tên gọi là C-Dome. Các thử nghiệm đã được tiến hành trong tháng 2/2016.
- Hệ thống David’s Sling
Tăng cường cho Iron Dome là tổ hợp tên lửa chống tên lửa (đánh chặn) David’s Sling cũng do Rafael thiết kế chế tạo.
Theo đại diện của Công ty này, David’s Sling đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm gần, các mối đe dọa đường không truyền thống và "tất cả những gì bay được trong bầu khí quyển và những gì mà tổ hợp Iron Dome chưa bắn hạ được".
Trong thành phần tổ hợp David’s Sling (hợp tác thiết kế với Tập đoàn Raytheon của Mỹ), có radar EL/M-2084 của IAI Elta Systems, tên lửa đánh chặn Stunner, các tổ hợp phóng và trung tâm điều khiển hỏa lực.
Stunner là tên lửa đánh chặn trực tiếp có kênh truyền dữ liệu hai hướng. Tên lửa đánh chặn Stunner có hệ thống dẫn đường radar và quang- điện tử và có cự ly hoạt động hiệu quả từ 70 đến 250 km.
Điều đó có nghĩa là Stunner có thể đánh chặn các mục tiêu mà Tamir không thể (như đã nói ở trên). Công ty Rafael đã giành được hợp đồng thiết kế David’s Sling năm 2006 và Tập đoàn Mỹ Raytheon đã giúp Rafael rất hiệu quả khi thiết kế tổ hợp phóng.
Nếu Iron Dome đối phó rất hữu hiệu với các mục tiêu tầm gần thì nhiệm vụ của David s Sling – đánh chặn các mục tiêu ở độ cao và cự ly lớn - tên lửa đạn đạo. Theo thông tin từ nhà sản xuất, việc triển khai David’s Sling sẽ được hoàn tất trong năm nay (2016).
- Hệ thống ARROW-II/III của IAI
Nhà thầu chính của chương trình là Công ty IAI (cũng như trong các chương trình khác như đã đề cập ở phần trên), phía Mỹ (trong đó có Công ty Boeing) hợp tác thiết kế. Hai bên bắt đầu hợp tác bắt đầu từ năm 1986, ngay sau khi Mỹ và Israel ký Bản ghi nhớ về giúp đỡ lẫn nhau và phân chia nghĩa vụ chịu rủi ro tài chính giữa hai bên.
Chương trình Arrow đã qua một số giai đoạn: phiên bản đầu Arrow -1 đã qua thử nghiệm một số lần trong những năm 90, có cự ly bắn 50 km. Sau đó là phiên bản Arrow -2. Những thử nghiệm cho thấy tên lửa này có khả năng tiêu diệt tên lửa- mục tiêu ở cự ly 100 km.
Công tác thiết kế thử nghiệm hoàn tất vào cuối những năm 90. Từ đó đến nay Arrow –II đã qua mấy lần cải tiến (thuật ngữ nước ngoài - " Block"), trong đó có phiên bản Arrow-II Block-II có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 60 km và phiên bản Arrow-II Block-III.
Sau khi hoàn thiện, hệ thống có tên là Arrow-II Block-IV, - nó có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung Iran (1930 km) Shahab-3. Cuối cùng, trong phiên bản Arrow-II Block-V đã kết hợp các khả năng của các phiên bản Arrow-II và Arrow-III.
Hiện nay , trong thành phần của một tổ hợp Arrow có Arrow-II đánh chặn các mục tiêu ở phần quỹ đạo trong khí quyển và ngoài khí quyển. Từ năm 2006, khi tiến hành các thử nghiệm cả trong và ngoài bầu khí quyển, Arrow-II đã đánh chặn thành công 100 % các mục tiêu là tên lửa đạn đạo. Hiện nay, công tác hoàn thiện Arrow-III đánh chặn ngoài bầu khí quyển vẫn đang được tiếp tục.
Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ tiến hành một thử nghiệm đối với Arrow-III vào tháng 2/2013. Nếu như Arrow –II có thể coi là tên lửa chiến dịch (phạm vi chiến trường), thì Arrow –III là tên lửa cấp chiến lược (đảm bảo an ninh quốc gia).
Nguyên tắc hoạt động của Arrow –III: sau khi phóng, tên lửa sẽ bay vòng trên vũ trụ trong một thời gian nhất định, sau đó khi phát hiện tên lửa của đối phương thì Arrow-III sẽ lao thẳng vào mục tiêu để tiêu diệt. Arrow-III có thể sử dụng bệ phóng và trung tâm điều khiển của phiên bản Arrow-II. Và theo kế hoạch, Arrow-III sẽ đưa vào trực chiến trong năm 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét