Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Tên lửa Iskander: Nguyên nhân khiến Nga ưu ái Armenia

Tên lửa Iskander: Nguyên nhân khiến Nga ưu ái Armenia

Theo bmpd.livejournal.com, hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-E vừa bất ngờ xuất hiện trong buổi tổng duyệt chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm quốc khánh Armenia.

Lễ duyệt binh chính thức kỷ niệm ngày quốc khánh Armenia sẽ được tổ chức vào ngày 21/9 tới đây. Theo nguồn tin này, rất có thể hệ thống tên lửa Iskander được Armenia mua thông qua khoản tín dụng khoảng 200 triệu USD Moscow cung cấp cho Yerevan để mua thiết bị quân sự.
 Tên lửa Iskander: Nguyên nhân khiến Nga ưu ái Armenia  - Ảnh 1.
Hệ thống tên lửa Iskander-E bất ngờ xuất hiện tại Armenia
Bản thỏa thuận cấp tín dụng này được Chính phủ Armenia ký kết với phía Nga vào ngày 26/06/2015. Việc tên lửa Iskander bất ngờ xuất hiện tại Armenia cũng đồng nghĩa với việc đây là khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu loại vũ khí chiến thuật này.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến Nga ưu ái Armenia mà không phải quốc gia khác? Theo nhận định của tạp chí Business Insider, quyết định này gần như có liên quan chặt chẽ đến việc Armenia gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga đứng đầu.
Theo nguồn tin này, Armenia đã chính thức gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu, một tổ chức do Nga dẫn đầu hồi đầu năm 2015. Ban đầu, EEU là tổ chức đã có 4 thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Với việc gia nhập EEU, Armenia sẽ có nhiệm vụ chuyển đổi hệ thống thuế quan phù hợp với các nước còn lại trong nhóm, với hạn chót hoàn tất công việc vào năm 2022.
Nền kinh tế Armenia phụ thuộc nhiều vào Nga, khi Moscow là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vừa là đối tác thương mại. Lực lượng lao động nhập cư Armenia tại Nga cũng đóng góp kiều hối đáng kể cho nước này.
Về mặt chính trị, Armenia đã quan hệ gần gũi với Nga để chống lại các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Armenia và Azerbaijan vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorno - Karabakh và các huyện lân cận trong nhiều thập kỷ.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều phong tỏa kinh tế Armenia. Và điều đặc biệt là Nga đã công khai thừa nhận, EEU do nước này dẫn đầu đặt mục tiêu làm đối trọng với EU.
Trong cuộc chơi EEU - EU, Nga đã thành công khi kết nạp được Armenia và Kyrgyzstan. Từng có cơ hội vào EU, nhưng Armenia quay lưng sau khi Nga đề nghị gói cung cấp chỉ từ 170 đến 180 USD cho mỗi 1.000 mét khối nhập khẩu khí đốt tự nhiên, vốn hết sức quan trọng với Armenia.
Từ những động thái trên có thể thấy rằng, việc Nga ưu ái phá lệ để bán hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander cho Armenia là quyết định hoàn toàn dễ hiểu vào lúc này.
Được biết, hồi tháng 6/2016, khi trả lời phỏng vấn tờ Kommersant, ông Sergei Chemezov - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước Rostec (Nga) cho biết tổ hợp tên lửa Iskander nằm trong danh mục vũ khí cấm xuất khẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét