Gần đây, chính phủ và quân đội Hàn Quốc đã đưa ra nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ bắt đầu phát triển các tàu ngầm hạt nhân.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, tin tức này không chỉ gây bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên mà còn cả Đông Á.
Hàn Quốc tuyên bố chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân nhằm đối phó hiệu quả với tên lửa, các cuộc thử nghiệm hạt nhân và những mối đe dọa nghiêm trọng khác từ phía Triều Tiên trong những ngày qua. Ngoài ra, Seoul nhận thấy những vũ khí đó đã được tăng cường, đủ sức đe dọa toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo ông Lý, Hàn Quốc hiện đang theo đuổi 2 chiến lược. Một mặt, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của quân đội Mỹ để tiến hành tấn công tên lửa hoặc các cuộc tàn sát nhằm vào những mục tiêu xác định tại Triều Tiên. Mặt khác, nước này muốn nhanh chóng chuyển sang được các loại vũ khí "át chủ bài" của mình nếu Mỹ từ chối can thiệp.
Tên lửa hành trình nội địa "Hyunmoo-3C" mà Hàn Quốc triển khai trên bộ và trên tiêm kích-bom F-15K có tầm bắn tối đa 1.500km. Ông Lý nhận định, nó có đủ khả năng để tiến hành tấn công tầm xa chính xác vào toàn bộ các cơ sở thử nghiệm hạt nhân, trận địa tên lửa, hệ thống chỉ huy và các mục tiêu chiến lược khác tại Triều Tiên.
Nhưng ngay cả khi như vậy, Hàn Quốc vẫn không thể yên tâm, họ quyết định tăng số lượng tiêm kích thế hệ năm F-35 (đặt mua của Mỹ) từ 40 lên đến 60 chiếc.
Ngoài phát triển vũ khí và lực lượng tác chiến trên không, trên bộ, Hàn Quốc còn tính toán phương án sử dụng tàu ngầm hạt nhân tiên tiến chống lại các tàu ngầm và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Chiến lược này gọi là "tàu ngầm đối đầu tàu ngầm".
Từ cuối tháng 8 tới đầu tháng 9 năm nay, quân đội Hàn Quốc đã nhiều lần đề cập tới lựa chọn này. Cùng với ưu thế của tên lửa "Hyunmoo-3", Hàn Quốc đang hướng tới chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình để có được lợi thế trước Triều Tiên.
Ông Lý cho rằng, một khi Hàn Quốc có tàu ngầm hạt nhân và triển khai chúng thường xuyên, hoặc thậm chí có xô xát với các tàu Triều Tiên thì tình hình trên bán đảo này sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, chương trình tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc chắc chắn sẽ gây ra một loạt phản ứng dây chuyền, dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Vị chuyên gia Trung Quốc nhận định, một số quốc gia manh nha phát triển tàu ngầm hạt nhân sẽ lấy cơ hội này làm cái cớ để chế tạo tàu ngầm hạt nhân và triển khai chúng với "lý do hoàn toàn chính đáng", như Nhật Bản chẳng hạn.
Một số các quốc gia tại Đông Nam Á, Australia hoặc khu vực khác cũng sẽ tham gia phát triển tàu ngầm hạt nhân. Trong trường hợp đó, vùng biển tại Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương sẽ tăng thêm các lực lượng ngầm và khả năng xảy ra xung đột quân sự dưới nước hoặc chiến tranh quy mô nhỏ sẽ gia tăng đáng kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét