Bí mật mang lại thành công cho chiếc máy bay Su-30 này là gì? Nó xuất hiện như thế nào và sự khác nhau giữa Su-30M2 và Su-30SM ra sao?
Chiếc máy bay tiêm kích đa năng 2 chỗ ngồi để phục vụ mục đích chiếm ưu thế trên không mang tên Su-30 là một trong những cỗ máy được ưa chuộng nhất trong phân khúc máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng.
Vậy, bí mật mang lại thành công cho chiếc máy bay này là gì? Nó xuất hiện như thế nào và sự khác nhau giữa Su-30M2 và Su-30SM ra sao?
Nếu nói một cách ngắn gọn, thì bí mật mang lại thành công đó là Su-30 có khả năng linh hoạt, hệ thống radar mạnh (cộng thêm trạm định vị quang học), thiết bị điện tử điều khiển hiện đại và tổ hợp vũ khí "khủng".
Và ngoài ra, nó còn giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh về giá thành. Thêm nữa, nó có thiết kế đẹp mắt. Và điều không kém phần quan trọng, nó do người Nga chế tạo. Mà các sản phẩm quân sự do người Nga chế tạo (đặc biệt trong thời gian gần đây) được thế giới đánh giá cao.
Tiền đề của sự ra đời Su-30
Su-30 là sự phát triển từ chiếc máy bay huấn luyện chiến đấu Su-27UB. Vài lời về "người cha" của Su-30.
Vì chiếc Su-27 có những đặc điểm khác biệt so với tất cả các máy bay tiêm kích của Liên Xô thời bấy giờ về mức độ của những tính năng kỹ thuật – bay, cũng như về các khả năng của hệ thống điều khiển vũ khí, của tổ hợp định vị và thiết bị khác.
Để huấn luyện một cách hiệu quả các phi công, cần phải cho ra đời phiên bản huấn luyện-chiến đấu 2 chỗ ngồi với tên gọi là Su-27UB.
Đồng thời, việc giữ lại toàn bộ hệ thống thiết bị điện tử điều khiển và vũ khí của cỗ máy 1 chỗ ngồi này cho phép sử dụng nó như một chiếc máy bay chiến đấu đúng nghĩa. Hơn nữa, căn cứ vào tầm hoạt động rộng và thời gian bay dài của Su-27, việc có 2 phi công trong hàng loạt trường hợp lại trở nên vô cùng hợp lý.
Kinh nghiệm khai thác các tiêm kích 1 chỗ ngồi (thế hệ thứ 4) thiếu ổn định về mặt chỉ số thống kê cho thấy rằng, những áp lực đặt lên phi công trong các cuộc không chiến hiện đại là rất lớn.
Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi tầm hoạt động (và cả thời gian hoạt động) gia tăng trên các máy bay chiến đấu hiện đại khiến cho phi công dễ bị mệt mỏi.
Điều này, cũng như việc thiếu hụt các căn cứ chỉ huy và máy bay trinh sát định vị và điều khiển tầm xa cùng với số lượng máy bay của Không quân Nga đang giảm khiến Phòng thiết kế Sukhoi phải tập trung vào việc chế tạo một chiếc máy bay đánh chặn chuyên biệt trên cơ sở Su-27UB.
Để làm giảm áp lực cho phi công trong việc điều khiển máy bay cùng các tổ hợp điện tử điều khiển phức tạp khác, họ đã quyết định thêm chỗ ngồi cho phi công thứ hai.
Việc có thêm phi công thứ hai giúp cho tổ bay hành động một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả dù đã bay lâu trên trời.
Phi công thứ nhất có thể điều khiển máy bay, hệ thống vũ khí và triển khai cận chiến, còn phi công thứ hai thực hiện nhiệm vụ đánh chặn và theo dõi diễn biến tình hình trên không cũng như chỉ huy tác chiến theo nhóm (có nghĩa là thực hiện chức năng đài chỉ huy trên không).
Su-30 có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu của Su-27UB và thêm vào đó, nó được bổ sung một số chức năng mới:
- Thực hiện chiến đấu ở tầm xa và với thời gian bay dài;
- Điều hành hiệu quả hơn nhóm các máy bay tiêm kích.
Chính việc có thêm phi công thứ hai đã giúp cho Su-30 trở nên được ưa chuộng nhất trên thị trường thế giới trong gia đình Su của mình.
Anh em sinh đôi
Dù Su-30 được "sinh ra" tại IAPO (Tổ hợp chế tạo hàng không Irkut), nhưng sau đó nhà máy thứ hai – KnAAPO (Tổ hợp chế tạo hàng không Komsomolsk-na-Amure mang tên Gagarin) cũng tham gia chế tạo. Từ đó 2 nhánh phát triển "Su-30" đã được ra đời.
Phiên bản nâng cấp mới nhất của nhà máy tại Irkut là chiếc máy bay Su-30SM và của nhà máy tại Komsomolsk-na-Amure là Su-30M2.
Su-30M2 được chế tạo trên cơ sở chiếc máy bay tiêm kích phiên bản xuất khẩu Su-30MK2, được nâng cấp để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước bằng vũ khí chính xác cao, và đương nhiên, nhiệm vụ chính của nó là tấn công mặt đất bằng vũ khí chính xác cao.
Được chế tạo theo mục tiêu ban đầu là máy bay đánh chặn và đài chỉ huy mini đối với các máy bay Su-27, cuối cùng Su-30 lại biến thành một máy bay tấn công và câu trả lời xứng tầm đối với "F-15E Strike Eagle" của Mỹ.
Trên thực tế, phi công điều khiển dễ dàng kiểm soát tình hình trên không trung và triển khai tấn công tác chiến với các máy bay tiêm kích khác.
Ngoài ra, với việc được trang bị các thiết bị cải tiến của Su-27 và buồng lái thêm 1 phi công, Su-30M2 có thể thực hiện vai trò huấn luyện-chiến đấu đối với các đơn vị sử dụng Su-27SM và cả Su-35S một chỗ ngồi.
Su-30SM là phiên bản phát triển từ chiếc Su-30MKI đa năng mà được Nga bán cho Không quân Ấn Độ. Có nghĩa đây là phiên bản MKI Nga hoá và hoàn thiện.
Ngoài việc Su-30SM vẫn giữ được tiềm lực tấn công các mục tiêu mặt đất như Su-30M2, nó còn đa năng hơn và có khả năng chiếm lĩnh được ưu thế trên không.
Bề ngoài, Su-30M2 có thể được phân biệt bởi phần cánh mũi phía trước, đây là phiên bản "tiên tiến" nhất của Su-30:
- Thứ nhất, chiếc máy bay này được trang bị hệ thống radar mảng pha N-011M "Bars".
- Thứ hai, động cơ tiên tiến hơn với hệ thống điều khiển lực đẩy vectơ giúp nó có khả năng linh hoạt không tưởng (theo tiêu chuẩn của các tiêm kích phương Tây).
Su-30 trong các trận chiến huấn luyện
Đánh giá 100% hiệu quả chiến đấu của máy bay là điều không thể thực hiện… nhưng có thể đưa ra kết luận căn cứ trên những thông số gián tiếp và kết quả của các cuộc tập trận.
Trong vòng 12 năm qua đã diễn ra 13 cuộc tập trận có sự tham gia của các máy bay tiêm kích Su-30K và Su-30MKI/MKM.
Các đối thủ của Su-30 Ấn Độ và Malaysia là những máy bay tiêm kích F-15, F-16, F/A-18, Mirage 2000, Rafale, Tornado, Typhoon và, cuối cùng, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22A của Mỹ.
Những cuộc tập trận này là cơ hội đặc biệt để có thể so sánh các tính năng chiến đấu của những máy bay tiêm kích thế hệ 4+ tốt nhất do Nga chế tạo với các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây, cũng như kích động một phiên tranh cãi mới về sự ganh đua giữa hai trường phái chế tạo của Nga và của phương Tây.
Mối quan tâm đặc biệt chính là các cuộc tập trận mà những tiêm kích hạng nặng gặp nhau: Một bên là Su-30K, Su-30MKI, Su-30MKM, bên kia là F-15C và F-22A.
Được biết rằng, Su-27 ra đời để đáp trả cho sự xuất hiện của F-15. Hơn nữa, nhiệm vụ kỹ-chiến thuật của Su-27 còn là chiếm ưu thế trước các máy bay tiêm kích Mỹ mà xuất hiện sớm hơn vài năm. Nhiều năm trôi qua, nhưng thực tế vẫn không chứng minh được rằng mục tiêu này có đạt được hay không.
Một vài cuộc tập trận rút gọn vào đầu những năm 90 cũng không đưa ra được một bức tranh đầy đủ. Tình hình có vẻ sáng sủa hơn sau hàng loạt các cuộc tập trận chung của Không quân Ấn Độ và Mỹ.
Những cuộc gặp gỡ đầu tiên
Đầu tiên là cuộc tập trận "CopeIndia 2004". Không quân Mỹ cử 6 máy bay tiêm kích F-15C từ căn cứ Elmendorf (Alaska) tham gia. Ấn Độ tung ra Su-30K mà về khả năng chiến đấu không vượt trội hơn là bao nhiêu so với Su-27.
Cuộc tập trận "CopeIndia 2004" không mang tính tổng hợp, mà chỉ là các trận chiến tấn công mang tính giả định trên không, độc lập tác chiến và theo nhóm.
Kết quả hết sức bất ngờ đối với cả 2 bên: Các phi công Ấn Độ đã đập tan đối phương khiến chính họ phải ngạc nhiên chứ chưa nói đến người Mỹ.
Trong các trận đánh giả định tầm xa, ngoài khả năng phát hiện đối phương bằng mắt, radar của F-15C và Su-30K (với hệ thống N001) đã phát hiện thấy nhau ở khoảng cách tương đương, nhưng các phi công Ấn Độ thường là những người đầu tiên triển khai phóng các tên lửa giả định R-27 và giành chiến thắng.
Trong trận chiến cơ động, Su-30K (với các động cơ không có hệ thống điều khiển lực đẩy véctơ) hoàn toàn vượt trội so với F-15C. Một trong những yếu tố mang lại chiến thắng đó là lượng dự trữ nhiên liệu lớn mà giúp cho các động cơ của Su-30K thường xuyên hoạt động ở chế độ tăng lực.
Tỷ lệ thiệt hại giả định là 9:1 với ưu thế thuộc về Không quân Ấn Độ. Trên thực tế, một phần những chiến thắng do Mirage 2000 và MiG-21-93 nâng cấp mang lại. Được biết, "CopeIndia 2004" là cuộc tập trận duy nhất mà Không quân Mỹ không thừa nhận thất bại.
Một chiến dịch dưới khẩu hiệu "Người Nga đã vượt mặt chúng ta" đã được Lầu Năm góc sử dụng để chống lại việc ngân sách phát triển lực lượng Không quân bị cắt giảm. Chính trong giai đoạn này, Hạ viện Mỹ đã cắt giảm các hợp đồng mua F-22A và nghi ngờ vào sự thành công của chương trình F-35.
"Lá cờ đỏ" trên bầu trời nước Mỹ
Vào năm 2008, "Su" và "Eagle" lại gặp nhau, và lần này là ở Mỹ. Hiện trạng của lực lượng Không quân hai nước đã thay đổi vào thời điểm đó. Và vấn đề không chỉ do F-22A đã được đưa vào khai thác.
Vào năm 2006, quá trình thử nghiệm hệ thống định vị sóng mới với radar mảng pha chủ động AN/APG-63(V)3 đã hoàn tất. Và gần 200 chiếc F-15C/D của Không quân và Vệ binh Mỹ đã được nâng cấp đồng loạt.
Vào năm 2004, Không quân Mỹ đã có F-15C/D với hệ thống radar AN/APG-63(V)2 cùng ăngten lưới mảng pha chủ động. Tuy nhiên, các máy bay này không tham gia vào cuộc tập trận "CopeIndia 2004".
Về phần mình, Không quân Ấn Độ đã làm chủ được Su-30MKI và thậm chí còn kịp kiểm chứng khả năng của chúng qua các trận chiến giả định với F-16C/D của Không quân Mỹ, Typhoon và Tornado F3 của Không quân Hoàng gia Anh, cũng như Mirage 2000 của Không quân Pháp.
Bộ tư lệnh Không quân Ấn Độ đã cử 6 chiếc Su-30MKI thuộc phi đội "Lighting" số 20, 2 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu IL-78MKI và 1 chiếc máy bay vận tải IL-76MD tới Mỹ tham gia cuộc tập trận "RedFlag 2008".
Lộ trình bay 19.000 km vượt qua các nước Trung Đông, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và một nửa lãnh thổ Mỹ.
Giai đoạn chính của cuộc tập trận diễn ra sau 3 tuần chuẩn bị tại căn cứ không quân Mountain-Home, bang Idaho (Mỹ). Về mặt hình thức, trong quá trình chuẩn bị, các quy trình bay, triển khai trao đổi điện đàm,… đã được thực hiện.
Những trận chiến trên không thực sự thú vị nhất dưới hình thức 1 chọi 1 và 2 chọi 2 đã diễn ra ngay ở Mountain-Home, chứ không phải tại căn cứ không quân Nellis, nơi diễn ra giai đoạn chính của cuộc tập trận.
Hàng loạt các máy bay của Mỹ như F-15C và F-15E (tiên tiến hơn) thuộc phi đội thử nghiệm-đánh giá từ căn cứ không quân Eglin và 8 chiếc F-16 thuộc phi đội 18 từ Alaska đã tới Mountain-Home.
Trong các chuyến bay phối hợp huấn luyện, tiêm kích của Không quân Mỹ và Ấn Độ đã triển khai các trận không chiến giả định 1 chọi 1 và 2 chọi 2.
Theo phía Ấn Độ, các máy bay Su-30MKI trong giai đoạn chuẩn bị tại Mountain-Home đã không thua phi đội 18 một trận nào. Bên cạnh đó – trong cận chiến "Su" chưa một lần nào rơi vào khu vực có thể bị bắn hạ của F-16.
Một số trận không chiến kết thúc không có kết quả: Các máy bay tiêm kích không thể triển khai được các vị trí để có thể đảm bảo tiêu diệt mục tiêu.
Khi thống nhất kịch bản "RedFlag 2008", đề tài được tranh luận gay gắt là các cơ chế hoạt động của hệ thống radar "Bars".
Phía Mỹ với kỳ vọng nhận được tối đa thông tin về hệ thống ngắm bắn hiện đại nhất do Nga thiết kế nên đã yêu cầu sử dụng các cơ chế chiến đấu. Tuy nhiên, người Ấn Độ thẳng thừng từ chối hé lộ tất cả các chỉ số hoạt động của hệ thống định vị sóng trên Su-30MKI.
Bộ tư lệnh Không quân Ấn Độ cũng cấm sử dụng ở Mỹ các phương tiện tạo nhiễu chủ động và thụ động mặc dù lệnh cấm này làm khó cho các phi công của họ.
Tổ hợp thiết bị điện tử phòng vệ của Su-30MKI, ngoài khả năng tạo nhiễu sóng, còn có thể "mở toang" hệ thống phòng không - điều có ý nghĩa rất lớn trong việc giành chiến thắng trong cuộc tập trận "RedFlag 2008".
Thêm một hạn chế của phía Ấn Độ - đó là họ không được phép triển khai chế độ mô phỏng các trận chiến có sử dụng tên lửa R-77 – loại tên lửa giống với AIM-120 AMRAAM của Mỹ (tên lửa không đối không tầm trung mở rộng).
Các máy bay ‘Su’ cũng tham gia vào một vài trận không chiến giả định theo nhóm. Tại một trong những trận không chiến kiểu này, "đội xanh" với thành phần là Su-30MKI đã bắn hạ giả định 21 máy bay của "đội đỏ".
Trong một vài trận không chiến khác, người Mỹ bắn hạ được vài chiếc Su-30MKI, nhưng trong khi nhiệm vụ chính lại là tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất.
Thêm một đặc điểm của "RedFlag 2008" mà không thể không nói tới. Tại "CopeIndia 2004", F-15C/D không được các máy bay trang bị hệ thống AWACS (chỉ huy và cảnh báo sớm) hỗ trợ nên cơ hội của các máy bay tiêm kích Mỹ và Ấn Độ là ngang nhau.
Ở Nevada, tình hình đã thay đổi: F-15 và F-16 đã nhận được sự chỉ dẫn mục tiêu tự động từ các máy bay E-3, trong khi Su-30MKI chỉ có thể nhận được lệnh trên hệ thống điện đàm. Tuy nhiên, các tiêm kích của Mỹ vẫn không giành được lợi thế.
Thông tin chính thức về kết quả của "RedFlag 2008" gần như bị giấu kín. Trong khi đó, Đại tá Không quân Mỹ Terens Fornof đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận. Viên sĩ quan này đã đăng tải công khai trên Youtube một đoạn video với những phán xét như sau:
- Không quân Ấn Độ đã gặp phải những vấn đề liên quan tới động cơ do Nga chế tạo;
- Các phi công Ấn Độ thiên về "huynh đệ tương tàn" – bắn hạ máy bay "quân ta";
- F-15 có khả năng bắn hạ Su-30MKI,…
Phía Ấn Độ gần như không đồng tình với những kết luận của đại tá Không quân Mỹ. Những giả thiết về các vấn đề liên quan tới động cơ đã được bình luận như sau:
- Để đến được Nevada, Su-30MKI phải bay qua gần nửa trái đất;
- Trong quá trình tập trận, Su-30MKI đã bay 850 giờ, tương đương với thời gian vận hành bình thường của 6 máy bay tiêm kích trong vòng 4 tháng;
- Trong khi đó Su-30MKI vẫn đảm bảo được 90% khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Tình huống "bắn hạ" máy bay của "quân ta" đúng là đã xảy ra. Tuy nhiên, đó là hậu quả cuả việc không được sử dụng một cách đầy đủ hệ thống thông tin điện tử trên Su-30MKI và trong các chế độ chiến đấu – phương pháp trao đổi thông tin duy nhất mà các phi công Ấn Độ được phép thực hiện là qua điện đàm.
Cuối cùng, Không quân Mỹ chính thức phủ nhận các tuyên bố của đại tá Fornof và công khai xin lỗi phía Ấn Độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét