Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Thách thức ưu thế kiểm soát bầu trời của Mỹ và phương Tây

Thách thức ưu thế kiểm soát bầu trời của Mỹ và phương Tây

Với nhiều tính năng độc đáo, PAK FA được đánh giá là đối thủ xứng tầm với các dòng máy bay chiến đấu của Mỹ và phương Tây. Ảnh: Russianplanes.net

Giới chức quân sự Mỹ và phương Tây gần đây đang lên tiếng cảnh báo về năng lực quân sự ngày càng mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc.

Trong đó, năng lực hàng không quân sự của Nga và Trung Quốc có những tiến bộ vượt bậc và đủ khả năng thách thức ưu thế hiện là tuyệt đối của không quân Mỹ và các quốc gia đồng minhphương Tây.
Nhiều học giả quân sự phương Tây cùng chung nhận định, cả Nga và Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh không quân và phát triển các hệ thống phòng không tinh vi, có tính đối trọng cao.
"Trong suốt hai thập kỷ qua, các đơn vị không quân của Mỹ và đồng minh đã nắm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời. Nga và Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều nhằm phá vỡ ưu thế tuyệt đối đó.
Một cuộc chạy đua vũ trang mới đang được khởi động", chuyên gia cao cấp về lĩnh vực hàng không, vũ trụ thuộc Tạp chí The Wall Street Journal, Robert Wall nhận định trong một bài viết mới đây.
Nhận định trên cũng nhận được sự đồng thuận của Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng David Goldfein. Trong buổi thuyết trình trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 6-2016, khi được hỏi về những thách thức lớn mà Không quân Mỹ có thể phải đương đầu, ông này đã tuyên bố:
"Thách thức lớn nhất của Không quân Mỹ là sự nổi lên của các đối thủ xứng tầm với tiềm lực tài chính và khoa học mạnh mẽ không kém gì nước Mỹ. Họ đang thách thức ưu thế kiểm soát bầu trời của chúng ta".
Theo lời ông D. Goldfein, để giải quyết vấn đề trên, Không quân Mỹ cần các nền tàng kỹ thuật hàng không quân sự mới như chương trình máy bay chiến đấu F-35, máy bay ném bom tàng hình B-21. Chúng sẽ đảm bảo ưu thế của Mỹ trước các đối thủ tiềm năng.
Thách thức ưu thế kiểm soát bầu trời của Mỹ và phương Tây - Ảnh 1.
Nguyên mẫu máy bay thế hệ thứ 5 FC-31 của Trung Quốc. Ảnh: Getty.
Ông này nhận định, khoảng cách về công nghệ hàng không quân sự giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc đã bị thu hẹp lại đáng kể. Tư lệnh Không quân Mỹ đặc biệt lưu ý việc Không quân Nga bắt đầu trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA từ năm 2018.
"Đó là một chiếc máy bay trang bị hai động cơ cực kỳ linh động trên không. Với trang bị điện tử trên khoang tinh vi, nó có thể phát hiện ra mục tiêu cách đó nhiều dặm", tướng D. Goldfein nói.
Cùng với nhận định của tướng D. Goldfein, giới chức quân sự quân sự phương Tây cũng ấn tượng mạnh trước "các màn biểu diễn" của máy bay tiêm kích-bom Su-34 và máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga tham chiến tại Syria mới đây.
Cùng với Nga, Trung Quốc trong nhiều năm gần đây cũng đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách công nghệ với phương Tây. Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào chương trình J-20, dòng máy bay thế hệ thứ 5 có nhiều điểm giống với máy bay F-22 Raptor của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thêm một chương trình phát triển máy bay mới là FC-31 với tính năng tương đương máy bay F-35 của Mỹ. Tạp chí Mỹ The National Interest đánh giá, Trung Quốc có thể đưa FC-31 vào hoạt động từ năm 2022.
Năng lực không quân của Nga và Trung Quốc mới chỉ là 50% "điều đáng lo ngại" của Mỹ và phương Tây. 50% còn lại chính là năng lực phát triển các tổ hợp vũ khí phòng không tinh vi, có phần vượt trội so với đối thủ đến từ phương Tây.
Thách thức ưu thế kiểm soát bầu trời của Mỹ và phương Tây - Ảnh 2.
S-400 Triumph với tầm bắn tới 400km hiện chưa có đối thủ xứng tầm đến từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: RIAN
"Cả Nga và Trung Quốc đang ngày càng sở hữu nhiều tổ hợp vũ khí phòng không tinh vi hơn. Ví dụ cụ thể nhất cho vấn đề này là việc Nga đưa vào sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph với tầm bắn tới 400km, gấp đôi so với tổ hợp tên lửa S-300 trước đó", chuyên gia R. Wall nhận định.
Để đối phó, Mỹ và phương Tây đã tập trung phát triển một loạt vũ khí tấn công tầm xa, đặc biệt là các loại tên lửa không đối đất có khả năng phóng ngoài ô phòng không của đối phương. Tuy nhiên, hiệu quả tác chiến của các tổ hợp vũ khí hiện đại này còn cần nhiều thời gian để kiểm chứng.
Một số nguồn tin còn cho biết thêm, Mỹ và các quốc gia NATO đang tính tới khả năng hợp tác phát triển nền tảng máy bay chiến đấu thế hệ mới giúp đảm bảo ưu thế kiếm soát bầu trời của khối này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét