Không quân Thụy Điển đã lên kế hoạch thay thế các tiêm kích đa năng JAS 39A/B đời đầu bằng phiên bản E/F tiên tiến hơn.
Theo con số thống kê vào thời điểm hiện tại, Không quân Thụy Điển đang có trong biên chế tổng cộng 50 tiêm kích đa năng hạng nhẹ JAS 39A và 13 chiếc phiên bản huấn luyện-chiến đấu hai chỗ ngồi JAS 39B.
JAS 39A/B là thế hệ đời đầu của dòng chiến đấu cơ Gripen nổi tiếng, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1996. Hiện tại đã có một vài chiếc JAS 39A được nâng cấp lên tiêu chuẩn JAS 39C, nhưng dự kiến trong tương lai gần Thụy Điển sẽ thay thế toàn bộ phi đội JAS 39A/B bằng biến thể E/F tối tân hơn.
JAS 39 được đánh giá cao ở đặc tính nhỏ gọn, khả năng thao diễn tốt, hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất, rất dễ điều khiển, chi phí bảo trì rẻ.
Đặc biệt hơn, Gripen là chiếc tiêm kích có độ bền lớn nhất vào thời điểm hiện tại với dự trữ thời gian bay lên tới trên 10.000 giờ, gấp 5 lần Su-27SK (2.000 giờ bay), gấp hơn 3 lần Su-30MK2 (3.000 giờ bay) và vượt trội đáng kể F-16 (6.000 giờ bay). Bên cạnh đó, giá thành khai thác của JAS 39 cũng chỉ là 4.700 USD/giờ bay, thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Do thời hạn khai thác chưa lâu, khung vỏ máy bay vẫn còn tốt, tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho nên khả năng rất cao là Thụy Điển sẽ tìm đối tác và bán lại số tiêm kích JAS 39A/B trên cho những quốc gia nào quan tâm.
Với các ưu điểm đã nêu, trong trường hợp được đại tu sửa chữa lớn, hoặc thậm chí là nâng cấp lên tiêu chuẩn JAS 39C/D trước khi chuyển giao, những chiếc tiêm kích cũ của Thụy Điển sẽ trở thành phương án tốt hơn nhiều so với mua lại F-16 của Không quân Mỹ đang được lưu trữ trong căn cứ Davis-Monthan tại sa mạc Arizona.
Ngoài ra nếu so sánh về tính năng thì JAS 39A/B vẫn được đánh giá cao hơn F-16 Block 40, còn JAS 39C/D lại vượt trội hoàn toàn F-16 Block 52, không hề lép vế khi phải đối đầu Su-30/35 do chúng được thiết kế với mục đích "đặc trị" tiêm kích hạng nặng.
Món hàng thanh lý của Thụy Điển dự báo sẽ rất hút khách, đây là cơ hội lớn, không thể bỏ qua đối với các quốc gia đang có ý định thay thế phi đội tiêm kích hạng nhẹ của mình nhưng ngân sách quân sự còn eo hẹp, chưa thể bỏ ra một số tiền lớn để mang về chiến đấu cơ mới xuất xưởng.
Hy vọng rằng dự án chế tạo JAS 39E/F giữa Thụy Điển và Brazil sẽ sớm bước vào giai đoạn chế tạo hàng loạt để số JAS 39A/B trên sớm tìm được bến đỗ mới nhằm tăng cường sức mạnh cho những lực lượng không quân có quy mô còn nhỏ bé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét