Theo Sputnik, Nhật Bản đã có trong tay máy bay F-35 đầu tiên. Buổi lễ tiếp nhận được tổ chức tại bang Texas (Mỹ).
Thần tốc trang bị
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận diễn ra ở bang Texas (Mỹ) hôm 23/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Wakamiya đánh giá rất cao loại máy bay F-35A, bà cho rằng với khả năng bị phát hiện thấp cũng như hệ thống vũ khí tiên tiến đây là một trong những cỗ máy trên không hiện đại nhất.
Bà Wakamiya cho biết với tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đã diễn biến phức tạp, F-35A với sự xuất sắc của nó rất quan trọng trong nền quốc phòng của Tokyo. Được biết, Nhật Bản đã đặt mua tổng cộng 42 chiếc F-35A từ năm 2011 để thay thế phi đội 80 chiếc F-4 Fantom đã 50 tuổi của mình.
Thương vụ này còn bao gồm xây dựng nhà máy lắp ráp tại Nhật Bản, đồng thời cung cấp dịch vụ duy tu bảo dưỡng và đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng cho phía Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, lô đầu tiên 4 chiếc F-35A từ AX-1 cho đến AX-4 sẽ được lắp ráp tại cơ sở sản xuất và lắp ráp Fort Worth của Công ty Lockheed Martin, còn 38 chiếc tiếp theo sẽ do cơ sở kiểm nghiệm và hoàn thiện của Công ty Mitsubishi Nhật Bản sản xuất.
Việc Nhật được tiếp nhận chiếc F-35 đầu tiên được coi là quyết định thần tốc của Mỹ bởi theo thông tin được Lockheed Martin công bố, nhà sản xuất này bắt đầu sản xuất F-35A phiên bản Nhật được định danh là AX-1 từ tháng 4/2016.
Tập đoàn Lockheed Martin đã bắt đầu rắp ráp lô đầu tiên gồm 4 chiếc máy bay chiến đấu F-35A cho Không quân Nhật Bản. Lô máy bay này được đặt tên là AX-1 sẽ được xuất xưởng toàn bộ trước khi kết thúc tháng 9/2016.
Sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh, AX-1 sẽ được chuyển đến căn cứ không quân Luke nằm ở tiểu bang Arizona, miền Tây nước Mỹ. Căn cứ này là trung tâm huấn luyện chủ yếu của phi công lái máy bay F-35A Mỹ và các nước khác.
Tại đây, Mỹ sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu F-35A cho phía Nhật Bản.
Cách Nhật đánh chìm tàu sân bay Trung Quốc
Ngay trước khi Nhật Bản được tiếp nhận chiếc F-35 đầu tiên, tờ Đa Chiều (báo tiếng Hoa tại Mỹ) nhận định về chiến thuật dùng tiêm kích thế hệ 5 này để đối phó với tàu sân bay Trung Quốc, F-35 của Nhật có thể bay siêu thấp rồi vọt qua đường chân trời phóng tên lửa chống hạm, cách đánh này dễ dàng hạ tàu sân bay.
Theo tờ báo này, hiện nay, dù là tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ hay tàu khu trục lớp 052D của Trung Quốc đều phải đối mặt với hạn chế tạo bởi độ cong của Trái Đất. Trong khi đó, tiêm kích F-35 có thể bay ở tầm siêu thấp rồi nhanh chóng vọt qua đường chân trời phóng tên lửa chống hạm trước khi quay trở lại bay ở độ cao dưới đường chân trời.
Đây chính là vùng mù mà radar trên tàu khu trục không thể phát hiện được, giúp F-35 chiếm ưu thế tác chiến khi làm nhiệm vụ tấn công tàu sân bay. Bằng cách đánh này, tàu sân bay Trung Quốc không có cách nào để thoát khỏi đòn tấn công của Nhật Bản.
Lý do để F-35 có thể tận dụng lợi thế Đường chân trời theo lý giải của Đa Chiều, trong 10 năm tới, tàu sân bay của Trung Quốc khó có thể được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình hay máy bay cảnh báo sớm. Ngay cả việc cải tiến chiến đấu cơ tàng hình J-20 để phù hợp với việc tác chiến từ tàu sân bay cũng chưa biết khi nào mới có thể hoàn thành.
Tận dụng điểm yếu này, Không quân Phòng vệ Nhật Bản đã tăng cường phát triển lực lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Bởi một khi tiến vào Thái Bình Dương mà không có sự bảo vệ của J-20 hay được máy bay cảnh báo sớm hỗ trợ, tàu sân bay Trung Quốc sẽ lộ rõ điểm yếu cả trong phòng thủ lẫn tấn công.
Theo Đa Chiều, khi so với những loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-22 hay J-20, tính năng không chiến của F-35 không nổi trội. Nhưng nếu tiến vào Thái Bình Dương mà chỉ có sự yểm trợ của các tàu hộ vệ, khu trục tên lửa, tàu sân bay Trung Quốc sẽ không thể nào chống đỡ được đòn tấn công của F-35.
Ngoài dùng F-35, theo trang Want Daily, với sự hỗ trợ của Không quân Mỹ, Nhật Bản có thể tấn công đánh chìm tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc một cách dễ dàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét