Những bức ảnh trên các trang mạng của Trung Quốc cho thấy, có vẻ nước này đã phát triển biến thể cất cánh bằng máy phóng của tiêm kích hạm J-15.
Theo military-informant, những bức ảnh này chụp một chiếc J-15 bay thử nghiệm vào đợt trung thu vừa qua. Phần càng đáp phía trước của chiếc J-15 đã có sự thay đổi, nó được thiết kế lại để có thể sử dụng với máy phóng trên tàu sân bay.
Điểm đặc trưng của loại đàng đáp này là nó có thêm một bộ phận (tương tự như cái ngàm) dùng kết nối với thiết bị kéo của hệ thống máy phóng trên tàu sân bay.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc thiết kế càng đáp mới cho J-15 để trang bị cho chiếc tàu sân bay mới sử dụng phương pháp cất cánh bằng máy phóng, thay vì boong phóng kiểu nhảy cầu như tàu Liêu Ninh (tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc) hiện nay.
Hiện chưa rõ tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc sẽ sử dụng máy phóng hơi nước hay máy phóng điện từ. Và cũng chưa thể xác định chiếc tàu sân bay sử dụng máy phóng của nước này sẽ là chiếc thứ mấy, do theo thông tin được công bố đến nay, chiếc tàu sân bay tự đóng đầu tiên (hiện đang thi công) của Trung Quốc vẫn sử dụng kiểu cất cánh nhảy cầu.
Military-informant nhận định, với việc chế tạo thành công phiên bản J-15 cất cánh từ máy phóng, Trung Quốc có vẻ đã "vượt mặt" được Nga.
Hiện nay, Hải quân Nga chỉ trang bị 2 loại tiêm kích hạm là Su-33 và MiG-29K và tất cả đều sử dụng phương pháp nhảy cầu.
Trước đó, có thông tin Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị mua các máy bay Su-33 nhưng bị Nga từ chối.
J-15 Flying Shark là mẫu tiêm kích được Trung Quốc chế tạo để trang bị trên tàu sân bay. Nó được thiết kế dựa trên mẫu T-10K-3 (nguyên mẫu chưa hoàn chỉnh của dòng tiêm kích hạm Su-33) mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 2001.
Vì vậy, J-15 có ngoại hình tương tự với Su-33, chỉ khác ở hệ thống điện tử hàng không, radar, vũ khí và sử dụng động cơ WS-10A do nước này chế tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét