Theo Reuters, Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc đề nghị cung cấp cho Việt Nam chiến hạm trang bị sẵn tên lửa hành trình BrahMos, thay vì chỉ là các tổ hợp riêng lẻ.
Cụ thể, nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Một khinh hạm trang bị tên lửa BrahMos có thể đóng vai trò quyết định, nó sẽ trở thành công cụ răn đe thực sự ở Biển Đông" - đồng thời còn tiết lộ thêm rằng New Delhi có thể sẽ mở rộng hạn mức tín dụng để hỗ trợ Việt Nam trang trải chi phí của con tàu.
Đây là thông tin thực sự đáng chú ý vì trước đó có nhận định rằng nhiều khả năng Việt Nam chỉ mua phiên bản BrahMos-M để trang bị cho tiêm kích Su-30MK2, do chưa có kế hoạch đưa loại tên lửa này lên tàu mặt nước.
Vậy nếu kế hoạch trên được thông qua, Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam lớp khinh hạm nào kèm theo BrahMos?
Hiện tại Hải quân quốc gia Nam Á này đang có 5 lớp chiến hạm được trang bị loại tên lửa hành trình tối tân trên là Rajput, Talwar, Shivalik, Kolkata và Visakhapatnam (đang thi công đóng mới).
Trong đó, 3 lớp tàu cuối là những khu trục hạm có lượng giãn nước từ 6.000 - 7.000 tấn, quá lớn so với nhu cầu của Việt Nam; Rajput chính là một phân lớp dựa trên khu trục hạm Kashin được đóng từ thời Liên Xô đã quá lạc hậu; cho nên ứng viên khả thi nhất chỉ có thể là lớp Talwar - Dự án 11356.
Trong lớp Talwar, 3 tàu đầu tiên (F40, F43 và F44) được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, tuy nhiên 3 chiếc sau cùng (F45, F50 và F51) đã được sửa đổi theo yêu cầu của Ấn Độ để mang tên lửa BrahMos do nước này sản xuất.
Điều đáng chú ý là các khinh hạm lớp Talwar này được nhà máy đóng tàu Baltiysky Zavod và Yantar (Nga) sản xuất, không phải do các cơ sở công nghiệp quốc phòng Ấn Độ chế tạo.
Nếu muốn bán khinh hạm Dự án 11356 kèm tên lửa BrahMos cho Việt Nam, Ấn Độ chỉ có hai lựa chọn: chuyển giao chính những tàu đang phục vụ trong hạm đội; hoặc làm trung gian, mua lại chiến hạm 11356P/M thanh lý của Nga rồi sửa đổi để tích hợp BrahMos rồi bán cho Việt Nam.
Nhu cầu đối với lớp Talwar của Ấn Độ đã đủ, họ không có ý định trang bị thêm lớp tàu này để dồn lực vào khu trục hạm cỡ lớn, việc mua lại 3 tàu chiến của Nga chẳng qua chỉ là chớp cơ hội khi chúng đang phải "nằm đắp chiếu" vì thiếu động cơ.
Do đang hơi dư thừa so với yêu cầu biên chế, Ấn Độ hoàn toàn có thể nhượng lại 1 khinh hạm trong lô 3 tàu trên cho một quốc gia đồng minh, mà trong trường hợp này chính là Việt Nam.
Nếu được Ấn Độ hỗ trợ kinh phí mua sắm cùng với huấn luyện chuyển giao kỹ thuật, đây sẽ là cơ hội tốt để chúng ta sở hữu một lớp tàu chiến mạnh, có lượng giãn nước lớn để tăng cường năng lực răn đe trên biển Đông.
Thương vụ tên lửa BrahMos khi đó có thể coi như "mua xe máy trúng xe hơi" với phần lợi rõ ràng thuộc về Việt Nam, vì vậy kế hoạch trên rất nên được kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét