Tên lửa BrahMos có những tính năng mới độc đáo, sẽ đánh trúng vào mọi mục tiêu "mà không cần biết kích thước của chúng", cho dù là mục tiêu nhỏ trong một dãy nhà lớn!
Trong 100 loại tên lửa (không đối đất, không đối hải) điểm danh từ "kho vũ khí hàng không" thế giới, đến nay tên lửa BrahMos, sản phẩm hợp tác Nga-Ấn đang được giới quân sự quan tâm đặc biệt.
BrahMos sức công phá lớn, tính năng cao. Không quân Ấn Độ dự tính sẽ lắp tên lửa "uy tín" này trên máy bay SU-30MKI. Họ cho rằng, khi thí điểm thành công, thì tầm tác xạ và uy lực của BrahMos khiến nhiều loại tàu chiến lớn, bé phải tránh xa vùng biển của nước này.
Bởi lẽ Su-30MKI là một máy bay tiêm kích tấn công hạng nặng, đa năng, chiếm ưu thế trên không, hoạt động tầm xa.
Nó có thể mang tới 3 tên lửa hành trình BrahMos trong vai trò tấn công mặt đất và chống tàu, khiến cặp đôi Su-30MKI – BrahMos trở thành vũ khí cực nguy hiểm, duy nhất trên thế giới chỉ Ấn Độ mới có.
Dòng tên lửa đáng nể
BrahMos mang tên ghép của con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga. Nó được phát triển trong suốt thập kỷ 90 và đầu những năm 2000 trên sự hợp tác giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và tổ chức nghiên cứu và phát triển Bộ quốc phòng Ấn Độ trong chương trình BrahMos.
Phía Nga có trách nhiệm sản xuất khung sườn, thân tên lửa và động cơ tên lửa đẩy từ NPO Machinestroenhie. Các chuyên gia Ấn Độ có nhiệm vụ phát triển hệ thống điều khiển và lập trình hệ thống dẫn bay, hoạt động tên lửa.
Ngày 12.06.2001 tại thao trường Chandipur Orissa, Ấn Độ, lần đầu tiên tên lửa này phóng thử nghiệm thành công. Tới năm 2004 nó đã qua rất nhiều cuộc thử nghiệm trong rất nhiều điều kiện khác nhau, kể cả việc phóng thử trong sa mạc Pokhran, khi bay hình chữ "S" với vận tốc 2,8 Mach.
Tạp chí "An ninh toàn cầu" viết: BrahMos chiều dài 9 mét, đường kính 70 cm.Tính năng nguy hiểm của BrahMos là chiều cao bay có thể lên tới 15 km, và chiều cao thấp nhất có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước chỉ thấp hơn 10 m, nó lướt trên mặt sóng, vì thế nó được coi là một tên lửa bay bám mặt biển.
Nó được thiết kế tàng hình để tránh phòng không đối phương bắn chặn. BrahMos rất mạnh ở tính đột kích cao, bất ngờ.
Hệ thống dẫn đường và điều khiển tên lửa bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống radar tự dẫn mục tiêu. Đầu tự dẫn tìm kiếm, khóa và đeo bám mục tiêu trong điều kiện gây nhiễu điện từ trường dày đặc. Chúng "biết" lựa chọn mục tiêu, định vị, chuyển thông tin điều khiển vào bộ phận bay tự động.
Khi đầu tự dẫn khóa mục tiêu và tắt song radar chủ động, tên lửa đồng thời hạ độ cao xuống10m gây khó khăn cho việc tìm kiếm và tiêu diệt. Đến giai đoạn cuối, đầu dẫn tự động lại bật vọt lên để hiệu chỉnh bổ thẳng vào mục tiêu.
BrahMos thuộc dòng tên lửa có tốc độ cao nhất thế giới, nhờ 2 tầng động lực. Tầng 1 là một động cơ khởi tốc tên lửa nhiên liệu rắn dùng để đưa Brahmos lên tốc độ siêu âm; tầng 2 là một động cơ phản lực không khí dòng thẳng.
Hệ thống dẫn khí của tên lửa làm cho việc đốt cháy nhiên liệu lỏng của động cơ cực hiệu quả, đó là là bí quyết khiến cho BrahMos bay xa hơn các tên lửa khác cùng kích cỡ.
Lúc này tên lửa vọt lên tốc độ 2,8 Mach, 952 m/s (3430km/h), nhanh hơn 3,5 lần so với tên lửa hành trình Harpoon của Hoa Kỳ vốn bay dưới tốc độ âm thanh.
Các chuyên gia quân sự ước tính, với tốc độ pha cuối lên tới Mach 2,8, (sau này là Mach 3,5) đối phương chỉ có dưới 20 giây để phản ứng trước sức tấn công của BrahMos.
Còn theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), BrahMos là một trong những tên lửa hành trình chống hạm nhanh nhất thế giới với tốc độ pha cuối.
Không chỉ bay nhanh, tên lửa BrahMos còn có tầm bắn xa, khoảng 290 km. Với tốc độ cao BrahMos có thể dễ dàng đâm xuyên qua mục tiêu hơn hẳn các dòng tên lửa hạng nhẹ khác.
BrahMos có uy lực chiến đấu rất mạnh, biến thể phóng từ mặt đất và tàu nổi được trang bị phần chiến đấu nặng tới 200 kg. Còn khi gắn trên máy bay thích hợp tác chiến nhanh và xa, Điều mà đất nước có bờ biển dài, vùng biển rộng như Ấn Độ rất cần bảo vệ trong mọi thời tiết, ngày cũng như đêm.
Tên lửa Brahmos cực kỳ linh hoạt, mục đích chính sản xuất BrahMos là tên lửa chống tàu nhưng nó cũng có thể dùng để đánh vào các mục tiêu cố định trên đất liền. Nó có thể được phóng thẳng đứng hay nghiêng và có thể "thắt"một vòng 360 độ.
BrahMos còn có thể phóng từ đất liền, trên tàu, trên không hay thậm chí bởi tàu ngầm từ bệ phóng dưới mặt nước. Hiện nay 4 phiên bản BrahMos là hạm đối hạm, hạm đối đất, đất đối đất, đất đối hạm đã triển khai trong Quân đội Ấn Độ, tuỳ theo nhiệm vụ ở từng bang.
Với trọng lượng gấp đôi và nhanh hơn bốn lần tên lửa Tomahawk, BrahMos có (động năng) cực lớn, tác động mạnh hơn 32 lần tên lửaTomahawk khi đâm vào mục tiêu. Kể cả khi không kích hoạt (thuốc phá nổ), thì với tốc độ 2,8M, BrahMos có thể hướng một động năng rất lớn vào mục tiêu đâm xuyên nó.
Giả định radar của bên phòng thủ được bố trí ở độ cao 20 m, BrahMos sẽ bị phát hiện ở tầm 27 km. Như vậy, bên phòng thủ làm sao trong vỏn vẹn 20 giây, có thể bám, chiếu xạ và bắn hạ BrahMos trước khi nó đâm vào tàu.
Rõ ràng, trong mọi trường hợp, nhờ động năng, điểm nổ của nó luôn trùm lên mục tiêu với uy lực mạnh nhất.
Theo văn phòng phát ngôn của chính phủ Ấn Độ: "Tên lửa BrahMos có những tính năng mới độc đáo sẽ đánh trúng vào mọi mục tiêu "mà không cần biết kích thước của chúng", cho dù là mục tiêu nhỏ trong một dãy nhà lớn. "Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới hiện nay có được công nghệ tiên tiến này".
Trong tháng 3 năm 2014, phiên bản thử nghiệm đầu tiên của tên lửa BrahMos đã có, để trang bị cho tàu ngầm.
Ấn Độ đã lập cả một trung đoàn (Số 861) được trang bị BrahMos Mark I. Và nay sẽ có thêm thêm hai trung đoàn trang bị BrahMos Mark II (Số 862 và 863).
Mỗi dàn phóng BrahMos sẽ có 4 đến 6 thiết bị cho từ 3 đến 4 ống phóng tên lửa gắn trên các bệ lưu động, kết nối trực tiếp với trạm chỉ huy lưu động.
Tạp chí Ракетная техника của Nga tiết lộ: Mẫu nâng cấp của BrahMos III đã được thử nghiệm thành công vào cuối năm 2010. BrahMos Block-III có khả năng bay bám sát mặt đất với địa hình gồ ghề lao tới mục tiêu với khả năng bị phát hiện ở mức thấp nhất.
Hiện Ấn Độ cũng đang được thử nghiệm mô hình cải tiến BrahMos cho tốc độ vọt lên tận Mach 6 (7.350km/h)! Đó là "BrahMos II" động cơ mới, vật liệu mới giúp nó vượt qua lực cản không khí cũng như chịu được các chấn động rung lắc khi bay vượt âm.
BrahMos II dự tính sẽ đưa vào hoạt động năm 2018 hoặc 2019 lắp trên các khu trục hạm lớp Kolkata của Hải quân Ấn Độ.
"Nhẹ hơn nửa tấn, ngắn hơn nửa mét"
Trong tác chiến không quân hiện đại, xuất hiện nhanh, đánh mục tiêu xa trúng đích, uy lực cao, từ cự ly phóng an toàn, là các tiêu chuẩn cực kỳ quý hiếm. Bởi lẽ máy bay lúc này ở ngoài khu vực phòng không của đối phương, mà vẫn phóng được hoả lực mạnh tới vùng chiến.
Điều này phát huy cao nhất "3 trong 1", là tính cơ động, tính đột kích bất ngờ và tính huỷ diệt bằng hoả lực mạnh. Với người chỉ huy quyết đoán, rất có thể một hành động chiến thuật, sẽ đạt ngay ý định chiến dịch.
Ở đây lấy ví dụ 1 tốp máy bay hiện đại, rất bất ngờ từ xa tới, phóng tên lửa mạnh, bắn chìm tàu khu trục, kỳ hạm, hoặc tàu sân bay đối phương.
Không phải ngẫu nhiên mà quân đội Ấn Độ chọn dòng máy bay SU-30MKI vì nó là một máy bay tiêm kích tấn công, chiếm ưu thế trên không. SU-30MKI đầu tiên do Nga chế tạo được biên chế vào đơn vị của Không quân Ấn Độ từ năm 2002.
SU-30MKI được lắp hệ thống điện tử phức hợp, chế tạo từ nhiều quốc gia như Nga, Pháp, Israel và Ấn Độ; bao gồm hệ thống hiển thị, dẫn đường, ngắm bắn, và hệ thống tác chiến điện tử. SU-30MKI có tầm bay tối đa khi được tiếp nhiên liệu trên không lên đến 8.000 km.
Hơn 230 chiếc Su-30 MKI hiện đang phục vụ trong Không quân Ấn Độ (IAF), chúng được trang bị hệ thống lái số hoá, tự động điều chỉnh kiểm soát bay (fly by wire - FBW) dự phòng bốn mức.
Tướng Không quân Ấn Độ Muthumanikam Matheswaran nói với Defense News: Ấn Độ đã đàm phán với Nga về việc nâng cấp 194 máy bay Su-30MKI lên chuẩn mới 4+ với giá trị hợp đồng khoảng 8 tỉ USD.
Do đặc tính khí động và máy bay chiến đấu hoạt động trên không, hạn chế về không gian cấu trúc thiết bị, nên kế hoạch đưa tên lửa BrahMos lên SU-30MKI không cho phép làm vội vàng. Từ năm 2014 máy bay Su-30MKI với kích thước ban đầu, đã được điều chỉnh dự kiến để mang "BrahMos".
Theo Maksichev, một chuyên gia của Ấn Độ, kích thước và cách bố trí tên lửa không dễ dàng như mang theo "con heo" trong một sản phẩm công nghệ phức tạp. Họ phải lắp nhiều bộ cảm biến để đo tải trọng và độ rung động, độ đàn hồi trên tên lửa khi đeo, treo trên máy bay này.
Tại thành phố Bangalore, các nhà khoa học Ấn Độ đã thử nghiệm các mô hình "máy bay - tên lửa" Su-30MKI phiên bản mới trong "buồng thổi" hầm gió, mô phỏng quá trình tách tên lửa ra khỏi máy bay.
Trang VPK, của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, cho hay, thậm chí máy bay SU-30MKI phải mang về Nga, thí điểm gia cố khung thân máy bay, tăng sức chịu tải, phối trí khí động học, sao cho giữ được tính năng ban đầu, khi mang tới 3 trái BrahMos (1 ở dưới bụng, hai bên cánh)
Ngoài ra lắp BrahMos còn phải bảo đảm trọng tâm máy bay và cân bằng tải trọng, trước, trong khi bay, sau khi phóng vì BrahMos mỗi quả nặng 1.500 kg, dài tới 5m.
Các chuyên gia tổ chức nghiên cứu và phát triển Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết, Mẫu BrahMos phóng từ trên không cũng đã được thử nghiệm.
Nó có một bộ phận gia tốc nhỏ (để đẩy tên lửa bay cùng vận tốc với máy bay trước khi khích hoạt động cơ đẩy chính) và thêm đuôi định hướng để giữ ổn định trong khi phóng.
BrahMos-M là biến thể hiện đại hóa được giới thiệu vào năm 2014, chiều dài tên lửa được rút từ 8,4 mét xuống còn 5 mét.
Mới đây nhất, Tạp chí Ракетная техника khẳng định: Phiên bản mới có tên là BrahMos-NG có chiều dài chỉ 5 m, trọng lượng còn 1.500 kg, phần chiến đấu 300 kg, tầm bắn 290 km.
Là biến thể nhỏ gọn,có tốc độ giai đoạn cuối gần 3,5M, (4.287 km/h), cao hơn 20% so với phiên bản đầu. Một nguồn tin từ chuyên gia, nói gọn, "nó" "nhẹ hơn nửa tấn và ngắn hơn bản gốc nửa mét".
Điều này mới quan trọng, có nguồn tin tiết lộ, khi lắp phóng từ máy bay, BrahMos sẽ có tầm bắn xa tới 500 km!!!
Tầm SU-30MKI hoạt động 5.000 km, bay liên tục trong 4,5 giờ. Trong vùng phóng hiệu quả của tên lửa cự phách BrshMos thêm vài trăm ki-lô-mét, thì phạm vi tác chiến, cự ly phóng đạn của không quân Ấn Độ thật xa, tuyệt vời.
Lúc này, SU-30MKI với tốc độ Mach 2.35 (2,500 km/h), trở thành sát thủ tầm xa, đủ sức đánh trả nhanh bất cứ hạm tàu lớn nào, xâm phạm vùng biển bao la của Ấn Độ. Khi đó máy bay phóng còn ở rất sâu trong nội địa (có thể ở ngoài tầm phòng không của đối phương), an toàn cao.
Tin từ TASS (Nga) ngày 02 tháng 8 năm 2016: Cuối năm nay tên lửa "BrahMos" trên máy bay Su-30MKI sẽ bắn đạn thật tới các mục tiêu biển và trên đất liền.
Ông Alexander Leonov, Tổng giám đốc của NGO (tham gia phát triển kỹ thuật, tên lửa này) nhắc lại rằng, vào cuối tháng sáu, đã có các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Su-30MKI với tên lửa "BrahMos" cải tiến.
Đại diện chính thức của công ty Nga-Ấn BrahMos Aerospace là ông Praveen Pathak thì nói với tờ "Izvestia": Tên lửa BrahMos của máy bay, có thể thực hành các vụ phóng vào mùa thu năm nay.
Lời kết
Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, có cả đồi núi, bình nguyên, sa mạc, núi phủ băng tuyết quanh năm, bờ biển dài, vùng biển rộng…Riêng tuyến biên giới trên bộ giáp Trung Quốc dài hơn 3.500 km.
Tờ Economic Times của Ấn Độ dẫn nguồn thạo tin cho biết, đầu tháng 8-2016, Ủy ban an ninh Ấn Độ đã thông qua kế hoạch triển khai trung đoàn tên lửa dọc biên giới với Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh.
Trung đoàn này được cho là sẽ bao gồm 100 tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos và 5 bệ phóng tự hành trên xe tải cùng một sở chỉ huy di động.
Hiện Ấn Độ đã có 1 trung đoàn (số 861) trang bị "BrahMos" Mark 1. Ngoài ra có hai trung đoàn độc lập"BrahMos" Mark 2 (số 862 và 863), trang bị tên lửa có đầu dẫn, cho phép lựa chọn các mục tiêu nhỏ trong những tòa nhà của thành phố.
Các Lữ đoàn tàu chiến ở bờ Đông, bờ Tây cũng mang theo trong đội hình nhiều trái siêu thanh BrahMos.
Quốc gia này lãnh thổ phần lớn nằm ở bán đảo Nam Á vươn ra Ấn Độ Dương, có bờ biển dài 7.516 km. Có vịnh Bengal, lớn thế giới, 2.172.000 km2. Ấn Độ có nhiều quần đảo, như Andaman, Nicobar và Mergui, có các cảng lớn ở Mumbai, Karwar, Kochi (bờ tây); Visakhapatnam, Quaabd đảo Aidaman (bờ đông).
Nhưng, oái oăm thay, phía trên cùng bờ tây, cảng Gwadar (của Pakisstan), cảng Hambantotta ( chót mũi Nam thuộc Srilanka) và cảng Chittagong (trên cùng bờ Đông, thuộc Bangladet) bị Trung Quốc thuê từ nhiều năm nay.
Như thế Trung Quốc đã có các căn cứ tạo thành "chuỗi ngọc trai" vòng quanh đất nước Ấn Độ.
Với địa chính trị đa dạng, dễ bị phông toả như vậy, Hải quân Ấn Độ có gánh nặng cực lớn trong tác chiến ven bờ và tác chiến đại dương. Bởi thế, không có gì khó hiểu, khi thử nghiệm thành công BrahMos phóng từ máy bay, sẽ là điều cực kỳ lợi hại.
Nên Ấn Độ có kế hoạch sẵn sàng lập tức trang bị tên lửa "BrahMos" cho ba trung đoàn Su-30MKI cùng lúc, áp dụng chương trình BrahMos cho 42 Su-30MKI của Không quân. Việc mua BrahMos cho Su-30MKI được phân bổ 1,1 tỷ đô la, trong gói ngân sách 2 tỷ đô la để trang bị BrahMos cho toàn quân đội.
Ấn Độ và Nga trong vòng 10 năm sẽ sản xuất khoảng 1.000 tên lửa BraMos. 50% số lượng này sẽ dùng cho xuất khẩu vào các nước thân thiện với Ấn Độ.
Khi có máy bay tiêm kích hạng nặng đời 4+, tiến công bay nhanh, bay xa, Su-30MKI lại mang tên lửa có tầm bắn xa, che dấu hành trình tốt, đầu đạn có lượng nổ mạnh, dẫn chính xác, thì Hải quân Ấn Độ sẽ vững tin hoàn toàn.
Từ đây việc phối hợp không-hải trên biển sẽ rất mạnh, khiến cho năng lực phòng thủ, tiến công trên biển của nước này trở nên đáng sợ.
Chưa hết, BrahMos còn được nghiên cứu lắp trên máy bay ném bom tầm xa của Ấn Độ, như trên các máy bay dòng Tu, IL… mỗi máy bay dự kiến 6 trái BrahMos. Nhưng đó là các máy bay ném bom chuyên nghiệp, ta sẽ trở lại sau.
Bây giờ, để kết bài này, chúng ta hãy nghe các chuyên gia quân sự khái quát: có thể mang tới 3 loại cho vai trò tấn công mặt đất và chống tàu, khiến Su-30MKI trở thành máy bay tiêm kích duy nhất trên thế giới hiện nay có khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình vừa nhanh,vừa mạnh. Thật đáng sợ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét