Hiện tại, toàn bộ những "Cánh én bạc" MiG-21 của Không quân Việt Nam đều đã được rút khỏi biên chế chiến đấu để nhường nhiệm vụ canh giữ bầu trời cho tiêm kích dòng Sukhoi.
Như đã biết, sau đúng 50 năm liên tục bảo vệ bầu trời miền Bắc cũng như Việt Nam, những "Cánh én bạc" huyền thoại MiG-21 đã chính thức được cho "nghỉ hưu". Các trung đoàn không quân cuối cùng còn sử dụng MiG-21 đều chuyển sang khai thác Su-22 trong khi chờ đợi được trang bị một loại tiêm kích hạng nhẹ thế hệ mới.
Tuy nhiên MiG-21 vẫn chưa bị loại biên hoàn toàn, một số máy bay khung thân còn tốt vẫn được đại tu tăng hạn lần cuối và chuyển sang chế độ niêm cất dài hạn để sẵn sàng cất cánh trở lại bất cứ khi nào có yêu cầu.
Nhưng do đã quá cũ, thời hạn khai thác tiếp cũng chẳng còn được bao nhiêu, thêm vào đó các khí tài trên máy bay đều cực kỳ lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại (kể cả vào thời điểm bây giờ), cho nên sau một thời gian dự trữ, có lẽ MiG-21 nên được phá niêm để giao cho một vai trò mới.
Trên thế giới đã có tiền lệ hoán cải MiG-21 trở thành bia bay cho phòng không tập bắn, hay thậm chí là biến chúng trở thành những quả tên lửa hành trình đối đất tầm xa, nhưng cách làm này tỏ ra hơi hoang phí so với điều kiện của Việt Nam.
Khi ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp, để có kinh phí mua sắm vũ khí, khí tài hiện đại thì chúng ta cần phải tận dụng mọi nguồn lực nội tại. Vì vậy sẽ là hợp lý hơn nhiều nếu Việt Nam lựa chọn phương án bán thanh lý MiG-21 cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu để lấy tiền tái đầu tư cho tiêm kích thế hệ mới.
Hiện tại giá bán MiG-21 cũ trên thế giới tương đối khó xác định, phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-21UTI đã qua sử dụng được định giá chỉ vào khoảng 200.000 USD, do chúng không thể cạnh tranh với L-39 về chi phí khai thác (4.500 USD/giờ bay so với 1.700 USD/giờ bay).
Con số này lại khác hẳn nếu như đó là một chiếc MiG-21 Bis SAU (loại Việt Nam đang niêm cất) còn đầy đủ chức năng chiến đấu cũng như tình trạng kỹ thuật tương đối tốt, khi đó các khách hàng nước ngoài sẵn sàng bỏ ra tới 2,5 - 3 triệu USD để sở hữu chúng.
Giả sử Việt Nam bán được 12 máy bay MiG-21 Bis SAU, chúng ta sẽ thu về 30 - 36 triệu USD, mới bằng hơn nửa giá trị của Su-30MK2 hay tương đương với 2 chiếc Yak-130, cho nên số tiền đó có lẽ chuyển sang đầu tư mua sắm phụ tùng, hoặc vũ khí hàng không, hoặc phương tiện chiến đấu cho bộ binh thì tốt hơn.
Nhưng bất cứ cách làm nào kể trên cũng hơn hẳn việc dùng MiG-21 làm bia bay hay tên lửa hành trình (trong khi tính hiệu quả chưa thể kiểm chứng), đề xuất này rất cần được đánh giá nghiêm túc về tính khả thi để có thể triển khai vào một thời điểm phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét