Tờ Sina cho rằng radar cảnh giới RV-02 do Việt Nam chế tạo tuy rất hiện đại nhưng vẫn có điểm yếu, đó là kém ở khả năng bắt mục tiêu bay thấp.
Tờ báo Trung Quốc Sina mới đây có bài viết về hệ thống radar cảnh giới RV-02 do Việt Nam nghiên cứu chế tạo trên cơ sở cải tiến mẫu Vostock E của Belarus.
Vào năm 2013, báo mạng Nga đã đăng tải thông tin Việt Nam nhập khẩu khoảng 20 bộ radar cảnh giới Vostock E do Belarus phát triển. Vostock E ra đời để thay thế các hệ thống radar P-18 lỗi thời của Liên Xô. Đây là hệ thống radar kỹ thuật số 2D hiện đại hàng đầu thế giới, sử dụng băng tần VHF có khả năng phát hiện máy bay chiến đấu cách xa tới 3̀50km, bám bắt cùng lúc không dưới 120 mục tiêu.
Đặc biệt, Vostock E có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly xa đến 72 km trong môi trường bị đối phương gây nhiễu điện tử mạnh. Vostok E sử dụng ăng-ten mảng pha hoạt động phát-thu bằng cách bức xạ thông qua các mô-đun. Radar có tần số trung tâm 175 MHz, đổi tần linh hoạt với trên 50 kênh, sử dụng 1 trong 2 tần số nhảy ngẫu nhiên.
Sau đó, trên cơ sở Vostock E, Việt Nam đã nghiên cứu cải tiến và chế tạo hệ thống radar cảnh giới RV-01 và sau đó là phiên bản nâng cấp RV-02. Sina cho rằng, hiện Việt Nam đã hoàn thành quá trình "nội địa hóa" hệ thống radar này. Các hệ thống này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa, ít tiêu thụ điện năng, có thể hoạt động liên tục trong nhiều giờ.
Radar có thể phát hiện được cả các mục tiêu như máy bay tàng hình, có thể phát hiện máy bay Su-27 ở khoảng cách 360 km, máy bay ném bom tàng hình B-2 ở khoảng cách 350 km, trong môi trường nhiễu điện tử mạnh radar có thể phát hiện mục tiêu là máy bay chiến đấu ở khoảng cách là 255 km.
“Có thể nói rằng radar RV của Việt Nam có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình như J-20 của Trung Quốc. Với hệ thống radar này phía Việt Nam có thể phát hiện được J-20 khi đang bay ở Côn Minh của Trung Quốc”, Sina cho biết.
Các hệ thống radar RV của Việt Nam sử dụng kênh VHF, lợi thế lớn nhất của kênh VHF là các loại tên lửa chống bức xạ không thể tìm thấy.
Tuy nhiên, tờ báo mạng Sina cũng tuyên bố là đã tìm ra hai nhược điểm lớn trên hệ thống radar RV băng tần VHF của Việt Nam.
Hai nhược điểm trên hệ thống radar cảnh giới RV mà Sina đưa ra gồm:
- Thứ nhất, các hệ thống radar RV có khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình, nhưng đây là loại radar bắt cao, nên chỉ có thể phát hiện và bám bắt các mục tiêu bay cao, còn các mục tiêu bay thấp radar này khó có thể phát hiện được.
“Do đó nếu tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc duy trì độ cao 1.000 m thì các hệ thống radar RV của Việt Nam không thể phát hiện, và khi phát hiện được thì đã muộn”, Sina viết.
- Thứ hai, radar RV của Việt Nam chỉ có thể cung cấp các tham số về hướng mục tiêu và khoảng cách của mục tiêu, còn độ cao của mục tiêu là không thể. Do đó các hệ thống radar này không thể điều khiển hỏa lực và cần phải sử dụng các hệ thống radar khác nữa.
Những lời chê của Sina với hệ thống radar RV của Việt Nam không phải là không có cơ sở vì đây vốn là radar chuyên trinh sát tầng cao, phát hiện tầm xa. Tuy nhiên, nếu nói rằng “nếu phát hiện được J-20 thì đã quá muộn” thì xem ra Sina quên mất rằng ngoài “mắt thần” RV thì Việt Nam hiện còn nhiều hệ thống radar cảnh giới có khả năng bắt thấp cực kỳ hiện đại.
Ví dụ như hệ thống radar di động 36D6-M mà Việt Nam nhập khẩu từ Ukraine có khả năng phát hiện mục tiêu bay thấp và cực thấp trong môi trường bị gây nhiễu chủ động - bị động mạnh. Hay hệ thống radar cảnh giới mạng pha kỹ thuật số NEBO-UE (mua của Nga) có thể phát hiện không dưới 65 mục tiêu máy bay chiến đấu ở độ cao 500m. Cho nên, máy bay tàng hình nếu muốn tránh RV thì đừng mong “bay thấp là có thể thoát nạn”.
Ngoài ra, bài học từ chiến tranh Việt Nam vẫn còn đó, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay cường kích F-111 mới nhất lúc bấy giờ định dùng khả năng bay cực thấp của mình lẩn tránh hệ thống radar cảnh giới, radar bắt mục tiêu cho tên lửa SAM-2. Tuy nhiên, kết cục là máy bay siêu hiện đại lại bị bắn hạ bởi những khẩu súng máy phòng không – hỏa lực tầm thấp “nhỏ mà có võ cao” của Việt Nam.
Về nhược điểm thứ 2 mà Sina đề cập, mạng lưới radar cảnh giới báo động sớm là sự hợp thành từ nhiều hệ thống radar, mà mỗi loại radar thì có nhiệm vụ khác nhau, không nhất thiết là radar cảnh giới thì phải “ôm đồm” làm mọi nhiệm vụ (phát hiện, bắt bám, điều khiển tên lửa).
Radar RV-01/02 làm nhiệm vụ phát hiện báo động sớm các mục tiêu, phần còn lại là sự kết hợp của các hệ thống radar khác. Từ đó chuyển thông tin về đơn vị chiến đấu gồm tổ hợp tên lửa S-300PMU1, tên lửa S-125-2TM, S-75M3 Volga, SPYDER…để tác chiến đánh địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét