Do Lục quân được xác định sẽ là trọng điểm hiện đại hóa trong nhiệm kỳ tới, cho nên Bộ đội Đổ bộ đường không rất có thể sắp nhận nguồn đầu tư lớn từ trên xuống.
Khi Lực lượng Đổ bộ đường không chính thức xuất hiện trong Lễ diễu binh - diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9, có nhận định cho rằng Việt Nam đã khôi phục lại Binh chủng Nhảy dù sau thời gian dài bị giải tán.
Tuy vậy, căn cứ vào quân hàm kết hợp màu đỏ mà những người lính này đeo trên ve áo thì Bộ đội Đổ bộ đường không của Việt Nam lại trực thuộc Lục quân. Đây sẽ là các đơn vị phản ứng nhanh đặc biệt tinh nhuệ trong thành phần những quân khu, quân đoàn chủ lực, hay thậm chí dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu.
Nhưng vì không phải là một binh chủng thuộc Không quân, cho nên viễn cảnh Bộ đội Đổ bộ đường không Việt Nam được xây dựng theo mô hình của Lính dù Nga, có xe thiết giáp nhảy dù hay máy bay vận tải cỡ lớn... là rất khó thành hiện thực.
Thay vào đó, để tối ưu hóa cho hình thức chiến thuật dự kiến là mũi đột kích, thọc sâu hay vu hồi theo chiều thẳng đứng, những đơn vị trên sẽ cần được trang bị số lượng lớn trực thăng vận tải đa dụng từ hạng nhẹ đến hạng trung.
Hiện nay khi thực hiện các bài tập huấn luyện ở quy mô nhỏ, chiến sĩ đặc công dù vẫn phải trông chờ vào máy bay được điều động từ bên Không quân sang để trợ giúp.
Tuy nhiên trong tương lai, khi phát triển lực lượng lên quy mô trung đoàn hoặc lữ đoàn thì chắc chắn cần phải có phương tiện riêng để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tác chiến. Đây chính là tiền đề cho việc hình thành Không quân Lục quân Việt Nam.
Với đặc thù chỉ nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền đất nước, không phải là quân viễn chinh chuyên tác chiến xa như một số cường quốc quân sự, Không quân Lục quân Việt Nam nếu được thành lập sẽ chẳng đòi hỏi phải có đầy đủ các phi đội tiêm kích đánh chặn, cường kích tấn công mặt đất hay trực thăng vận tải hoặc trực thăng vũ trang chuyên dụng... như Mỹ.
Phù hợp nhất với điều kiện thực tế của Việt Nam có lẽ chỉ nên là mỗi đơn vị có một phi đội trực thăng trực thuộc, đủ khả năng không vận cùng lúc một tiểu đoàn từ tuyến sau ra tới chiến trường.
Trong trường hợp này, nếu trang bị Mi-8/17 thì ước tính con số cần thiết sẽ vào khoảng 6 - 8 chiếc, hoặc lên tới gấp đôi nếu đó là loại UH-1 (do quân số của các đơn vị đặc công, đặc nhiệm thường ít hơn so với đơn vị bộ binh thông thường).
Ngoài ra nếu điều kiện cho phép, chúng ta cũng nên nghĩ tới việc mua sắm thêm trực thăng vũ trang chuyên nhiệm để việc yểm trợ hỏa lực từ trên không có độ tin cậy cao hơn, tương xứng với các đơn vị thiết giáp sắp được trang bị xe tăng T-90MS.
Nếu Việt Nam "chốt" trực thăng Nga thì đội hình lý tưởng có thể là Mi-171E phối hợp với Mi-28NE, hoặc AH-1Z bay kèm UH-1Y theo đúng "chuẩn Mỹ".
Dĩ nhiên viễn cảnh trên chưa thể sớm diễn ra, đặc biệt khi tình hình kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu Quân đội thực sự quyết tâm và dành ưu tiên đúng mức thì việc Lục quân Việt Nam sở hữu lực lượng không quân riêng biệt hoàn toàn không phải là ước muốn viển vông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét