Từ những tổn thất nặng nề của các xe tăng chiến đấu chủ lực khi tác chiến đô thị trong cuộc chiến Chechnya, Nga đã phát triển dòng xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT - "Kẻ hủy diệt".
Ra đời từ những... sai lầm
Trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất, lực lượng tăng - thiết giáp Nga đã phải hứng chịu tổn thất hết sức nặng nề. Trong đó, các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực dù rất hiện đại và có khả năng phòng hộ khá tốt như T-72 hay T-80 chiếm phần lớn.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến, đã có ít nhất 62 xe tăng chủ lực của Nga (tương đương với 2 tiểu đoàn xe tăng đủ biên chế) bị loại khỏi vòng chiến, hầu hết bị hủy diệt hoàn toàn hoặc hỏng nặng không thể phục hồi.
Nguyên nhân là do sai lầm chiến thuật của Nga khi đột kích vào đô thị nhưng lại sử dụng lực lượng tăng - thiết giáp ồ ạt mà không được yểm trợ bởi bộ binh hoặc các loại hỏa lực/phương tiện để tiêu diệt hỏa điểm diệt tăng của đối phương.
Đặc biệt khi bắt đầu cuộc chiến, xe tăng tham chiến hầu như không được lắp giáp phản ứng nổ, nên dễ làm mỗi ngon cho các chiến binh Chechnya vốn dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Họ đã khéo léo bố trí lực lượng săn tăng, lợi dụng các tòa nhà, chọn vị trí thuận lợi, từ các hướng cùng lúc bắn nhiều đạn, đôi khi tới 5 - 6 quả (chủ yếu là RPG-7 và RPG-18) vào 1 chiếc xe tăng.
Xạ thủ chống tăng luôn tránh mặt trước vốn được trang bị lớp thép dày và được phòng hộ bởi giáp phản ứng nổ mà chỉ nhằm các vị trí dễ tổn thương, nhất là tháp pháo và đằng sau xe, nên xe tăng hiện đại dù có giáp dày đến mấy thì cũng bị tiêu diệt.
Đến Chechnya lần thứ hai, do đã rút kinh nghiệm và thay đổi chiến thuật, thiệt hại về xe tăng của Nga giảm hẳn, nhưng vẫn còn đó những mối đe dọa cần phải có giải pháp khắc phục triệt để. Chính vì vậy, đòi hỏi phải phát triển một loại xe đặc biệt.
BMPT (Boyevaya Mashina Podderzhki Tankov) hay còn gọi là Terminator - xe chiến đấu hỗ trợ tăng, do Uralvagonzavod phát triển đã ra đời và nhanh chóng được đánh giá là "Kẻ hủy diệt" đúng như tên gọi của nó.
"Kẻ hủy diệt" được phát triển trên khung gầm xe tăng T-72, nhưng được trang bị hỏa lực mạnh cùng hệ thống phòng hộ tiên tiến thậm chí còn hơn hẳn các loại xe tăng chiến đấu chủ lực.
Nó ra đời để đảm trách 2 nhiệm vụ chính gồm: bảo vệ đội hình xe tăng và săn diệt tăng đối phương.
Sẽ bán cùng tăng T-90 theo kiểu "bia kèm lạc"?
Đến nay, phiên bản mới nhất Terminator-2 (BMPT-72) đã được hoàn thiện và lần đầu ra mắt tại Triển lãm Russian Arms Expo 2013. Tổ hợp công nghiệp Uralvagonzavod (Nga) đang tích cực chào bán cho nhiều đối tác khác nhau những vẫn chưa thành công.
Khách hàng đầu tiên là Kazakhstan đặt mua 10 xe. Kế hoạch đặt mua thêm 30 xe nữa của nước này có khả năng đã bị hủy bỏ. Ngay như Lục quân Nga cũng chỉ đặt hàng một số lượng hạn chế Terminator phiên bản cơ sở để đánh giá tính năng.
Theo Uralvagonzavod, Terminator-2 mặc dù được trang bị hỏa lực rất mạnh và hệ thống phòng vệ tốt hơn, nhưng lại vẫn sử dụng khung gầm xe tăng T-72 nâng cấp nên các quốc gia như Algeria, Peru hay Azerbaijan tỏ ra quan tâm nhưng chưa có quyết định cuối cùng.
Một tin rất xấu với "kẻ hủy diệt" là đích thân ông Vladimir Popovkin - Trưởng cơ quan mua sắm vũ khí Nga đã tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga sẽ không mua dòng xe này bởi nó vẫn sử dụng khung gầm xe tăng T-72 khá lạc hậu, có từ thời Liên Xô.
Bởi trong bối cảnh Nga sẽ đưa vào trang bị họ xe tăng T-14 Armata với nhiều phiên bản có thể gồm cả xe trợ tăng BMPT thế hệ mới phát triển trên nền tảng khung gầm Armata thì chắc chắn Terminator-2 (trên nền T-72) không có cửa với ngay cả quân đội nước này.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết họ có kế hoạch đưa module chiến đấu của Terminator-2 lên khung gầm Armata nhưng không rõ bao giờ ý định này mới thành hiện thực.
Tuy nhiên, đó lại là cơ hội với những nước có ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Vai trò của Terminator khi tác chiến cả ở trong và ngoài đô thị đều tốt, nó có khả năng diệt cùng lúc nhiều mục tiêu, bảo vệ và giảm nhẹ nhiệm vụ của xe tăng chủ lực.
Mất nhiều công sức và tiền của đầu tư để phát triển mà không bán được thì thật là thảm họa.
Rất có thể, Uralvagonzavod sẽ sẵn sàng giảm giá, thậm chí dùng phương thức "hàng đổi hàng" và tìm cách bán bộ đôi Terminator-2 với T-90 theo kiểu "bia kèm lạc" nhằm vớt vát phần nào khoản chi phí nghiên cứu đã bỏ ra.
Cần phải nói thêm rằng, trong vòng 10 - 15 năm tới, cả T-90 và Terminator-2 đều chưa lạc hậu. Chúng cũng vẫn còn khả năng nâng cấp nhất định nên sẽ không hề lép vế khi phải đương đầu với các dòng xe tăng mới của Mỹ, Phương Tây hay Trung Quốc.
Terminator được trang bị hỏa lực gồm 2 pháo tự động 30 mm 2A42, cơ số 850 viên, có thể bắn đạn nổ mạnh - vạch đường (HE-T), đạn tách vỏ xuyên thép (APDS), đạn nổ mạnh - phân mảnh (HE-FRAG) và đạn xuyên thép - vạch đường (AP-T).
2 súng phóng lựu liên thanh AGS-30 (hoặc AGS-17A) cung cấp khả năng diệt sinh lực đối phương cực tốt, nhất là các mục tiêu ngoài công sự.
4 đạn tên lửa diệt tăng có điều khiển Ataka-T tầm bắn tới 5 km, với nhiều loại đạn nhiệt áp, đạn nổ văng mảnh và đạn lõm chống tăng đủ sức loại khỏi vòng chiến đấu bất kể loại xe tăng hiện đại nào.
Chưa kể, Terminator-2 là phương tiên đa nhiệm, vừa săn diệt tăng, chống bộ binh, diệt hỏa điểm, lại vừa có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay thấp, đặc biệt là trực thăng vũ trang, một trong những mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đối với xe tăng.
Bên cạnh đó, do không quá phức tạp nên "Kẻ hủy diệt" cũng không yêu cầu kíp xe phải có trình độ cao siêu mà vẫn vận hành tốt và khai thác hết tính năng của nó.
Lãnh đạo Uralvagonzavod cho rằng "điểm vượt trội nhất của Terminator-2 là cung cấp cho các nước sử dụng dòng T-72/90 loại vũ khí hiện đại, giúp tăng khả năng chiến đấu, cơ động cũng như phòng hộ mà không cần phải mua các phương tiện mới với giá rất cao".
Do vậy, trong tương lai, một số quốc gia đang cân nhắc mua xe tăng T-90 có thể để mắt tới "Kẻ hủy diệt" bởi đó là lựa chọn thông minh, vừa đáp ứng được một công đôi ba việc vừa tận dụng những ưu đãi và những điều kiện khá thuận lợi như trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét