Theo Thượng tướng Victor Bondarev, cùng với việc thành lập đơn vị chuyên chống tăng, Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận một loại tên lửa mới vào năm 2017.
"Chúng tôi đang tiến hành nâng cấp tên lửa và trong năm tới sẽ đưa vũ khí vào phục vụ và đánh giá toàn bộ chương trình", tướng Bondarev cho biết. Dù tiết lộ về đơn vị chống tăng mới nhưng quan chức Bộ Quốc phòng Nga chưa nêu chi tiết tên gọi và đặc tính kỹ thuật của tên lửa mới
Trong cuộc họp báo tại Ashuluk, ông cũng giới thiệu các đơn vị tên lửa tự hành chống xe tăng thế hệ mới Kornet-D1. Đây là hệ thống vũ khí chống xe tăng chiến đấu chủ lực (ATGM) thế hệ mới của quân đội Nga.
Nó sử dụng tên lửa Kornet-EM ở cả 2 biến thể áp nhiệt và đầu đạn lõm nổ lại chống xe tăng. Dòng tên lửa này có khả năng bắn 2 quả tên lửa chưa đầy 1 giây, để phá hủy xe tăng địch nhanh chóng hơn.
Mặc dù vậy, vị tướng Nga không hề tiết lộ đơn vị chống tăng mới sẽ được triển khai trên trận tuyến nào. Tuy nhiên, theo tờ The Times, rất có thể đơn vị này được Nga thành lập nhằm đối với với lực lượng của NATO đang dần tiến về Đông Âu.
Theo nguồn tin này, hồi đầu tháng 6/2016, Anh đã quyết định triển khai 1.000 binh sĩ cùng xe tăng mạnh nhất của mình là Challenger 2 đến Baltic theo kế hoạch tăng cường quân sự của NATO để đối phó Nga.
"Chúng tôi đang cân nhắc tăng cường hiện diện ở các quốc gia Baltic và dọc sườn phía đông châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới", tờ The Times (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon cho biết.
Việc Anh triển khai Challenger 2 đến Baltic được coi là cơn ác mộng với đối tượng bị nó tấn công. Bởi theo bảng xếp hạng của Focus năm 2015, tăng Challenger 2 đứng trên cả tăng huyền thoại của Mỹ là Abrams, ăn đứt tăng T-90 của Nga, khiến tăng AMX-56 của Pháp lép vế...
Tạp chí Focus cho rằng, điều làm nên sức mạnh của Chanlenger 2 là bởi chúng được trang bị công nghệ giáp phòng vệ Chobham tối tân (hợp kim siêu cứng titan cacbua và tungsten bên cạnh gốm và thép truyền thống), lớp giáp này được đánh giá là có khả năng vô hiệu hóa hầu hết các loại đạn, tên lửa chống tăng trên thế giới.
Tạp chí Focus dẫn một bài viết được đăng tải trên BBC năm 2003 cho biết, một chiếc Challenger 2 trúng hàng chục phát đạn chống tăng RPG ở thành phố Basra Iraq nhưng tổ lái vẫn an toàn.
Ngoài khả năng tự bảo vệ, Challenger 2 được trang bị hỏa lực cực mạnh. Challenger 2 trang bị pháo nòng xoắn L30 cỡ 120 mm có thể bắn được khá nhiều loại đạn xuyên giáp như: đạn xuyên dưới cỡ nòng có cánh đuôi APFSDS L23; đạn APFSDS L26 (với đầu đạn uran nghèo); đạn khói L34WP để giảm thiểu tầm nhìn của đối phương.
Trên tháp pháo xe còn được trang bị súng máy L94A1 cỡ 7,62 mm bên trái pháo 120 mm. Súng đạt tốc độ bắn 520 - 550 phát/phút có thể quét sạch một tiểu đội bộ binh trong vòng chưa tới 10 giây. Ngoài ra, trên nóc xe được lắp một súng máy L37A2 cỡ 7,62 mm nhưng không được tích hợp giá điều khiển tự động.
Challenger 2 được trang bị nhiều hệ thống điện tử hiện đại, trong đó có bộ xử lý đặc biệt cho phép tối ưu hóa cho xạ thủ trên xe, đồng thời giúp chỉ huy và pháo thủ có thể quan sát cùng lúc một mục tiêu. Điều này là một trong những tính năng mới mà chưa có loại xe tăng nào trên thế giới có được.
Kíp lái xe trang bị một số thiết bị ngắm quan sát mục tiêu gồm: kính ngắm SAGEM VS 580-10 với thiết bị đo xa laser (của trưởng xe); kính ngắm TOGS II (dành cho pháo thủ) cho phép hiển thị hình ảnh nhiệt để có thể ngắm bắn một cách chính xác và tác chiến trong mọi điều kiện.
Nếu thực sự việc Nga thành lập đơn vị chuyên chống tăng để đối phó với NATO, đặc biệt là dòng tăng Challenger 2, thì đây sẽ là cuộc đối đầu nảy lửa bởi Kornet-D1 là phiên bản tên lửa chống tăng thế hệ mới của Nga trong khi Challenger 2 được đánh giá là dòng tăng tốt bậc nhất thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét