Được Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) giao nhiệm vụ, Xưởng 265 (Cục Quân khí, TCKT) đã nỗ lực khắc phục khó khăn, sáng tạo nghiên cứu, hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ sửa chữa vừa đối với đạn chống tăng 73mm (PR-15B), giúp tăng niên hạn sử dụng đối với một số lượng lớn đạn chống tăng.
Đến tham quan dây chuyền sửa chữa đạn chống tăng 73mm tại Xưởng 265, chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Danh Bảo, Phó giám đốc Xưởng 265 giới thiệu:
"Đạn chống tăng 73mm có tầm bắn lớn nhất là 1.300m, sơ tốc đầu đạn là 400m/s, dùng cho pháo nòng trơn cỡ 73mm, kiểu 2A-28 đặt trên xe thiết giáp BMP-1, được điểm hỏa bằng điện, dùng để tiêu diệt các loại xe tăng, xe thiết giáp, các lô cốt và nhiều loại mục tiêu khác; biên chế trong Quân đội ta từ những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Đạn ổn định đường bay bằng cánh với tốc độ lớn nhất là 665m/s. Liều phóng có kết cấu riêng biệt, chỉ khi bắn mới được lắp với đầu đạn. Đầu đạn chế tạo bằng thép, bên trong nhồi thuốc nổ A-IX-1; động cơ và cánh đuôi bằng nhôm.
Hệ thống cánh đuôi dùng để ổn định cho đạn trên đường bay; động cơ hành trình bằng thuốc phóng. Ngòi nổ của đạn là ngòi nổ dạng áp điện đầu-đáy kiểu chạm nổ tức thì, giống ngòi BP-7 lắp cho đạn chống tăng B41 và có nguyên lý hoạt động tương tự đạn chống tăng B41, chỉ khác là liều phóng ban đầu của đạn 73mm lại giống đạn pháo…
Do có tuổi thọ cao, điều kiện khí hậu, môi trường ở nước ta khắc nghiệt, nên đến nay phần lớn đạn chống tăng 73mm xuống cấp 3, cấp 4, nhiều lô đạn đã xuống cấp ở mức cận kề cấp 5.
Đây là loại đạn có tính năng chiến đấu tốt, số lượng còn lớn, nên TCKT đã khảo sát và quyết định nghiên cứu sửa chữa, tăng hạn, tiếp tục duy trì trang bị để tránh lãng phí.
Tuy nhiên, đây là loại đạn có cấu tạo, nguyên lý hoạt động phức tạp, khi chúng ta nhận viện trợ, đạn không có quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện nâng cấp, sửa chữa.
Từ thực tế trên, tháng 10-2013, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ trưởng TCKT và Cục Quân khí về việc xây dựng bộ quy trình sửa chữa, nâng cấp vừa đối với đạn chống tăng 73mm, Xưởng 265 đã chủ động liên hệ mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực điện tử, tên lửa của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) để phối hợp nghiên cứu, xây dựng bộ quy trình công nghệ với 20 công đoạn và áp dụng, huấn luyện cán bộ, nhân viên kỹ thuật khai thác, vận hành.
Thiếu tá Hoàng Minh Thuận, Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa đạn, người trực tiếp chỉ huy, giám sát nhiệm vụ tổ chức sửa chữa đạn tại Xưởng 265 cho biết: Nhiệm vụ sửa chữa đạn luôn là công việc tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, vì vậy khi sửa chữa đạn chống tăng 73mm, cán bộ, nhân viên tuân thủ nghiêm túc 20 công đoạn trong quy trình sửa chữa.
Trước khi vào thực hành, cán bộ, nhân viên đều được huấn luyện chu đáo, thuần thục từng công đoạn quy trình và máy móc, trang thiết bị, dụng cụ.
Đối với đạn đưa vào sửa chữa, phải theo chủng loại từng lô một, hết lô này mới sang lô khác; ở mỗi nguyên công trên dây chuyền không được để quá một thân đạn. Đạn sửa chữa vừa thì ngày nào phải làm xong trong ngày đó.
Cán bộ, công nhân viên tuyệt đối không được sử dụng các máy móc, thiết bị, dụng cụ có sử dụng điện tiếp xúc với đạn (trừ thiết bị đo điện trở). Khi sửa chữa đạn, chỉ được dùng các thiết bị, dụng cụ đúng theo yêu cầu của quy trình.
Toàn bộ hệ thống bàn công nghệ và băng chuyền của xưởng đều được nối tiếp đất. Bàn công nghệ là loại bàn chuyên dùng, có cấu tạo vững chắc, có gờ xung quanh cao hơn 5cm. Hệ thống băng chuyền được đặt bằng phẳng, chắc chắn, cách nền nhà đúng 0,8m.
Quá trình thao tác, người lao động tuyệt đối chấp hành theo đúng quy trình đã được học…
Được biết, trên cơ sở bộ quy trình sửa chữa đạn chống tăng 73mm đã thực hiện thành công tại Xưởng 265, đến nay Cục Quân khí đã cho phép một số đơn vị trong cục thực hiện nhiệm vụ nâng cấp đối với loại đạn này.
Riêng cán bộ, công nhân viên Xưởng 265 đã trực tiếp sửa chữa, nâng cấp thành công được hơn 5.000 quả đạn chống tăng 73mm lên cấp 2, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét