Không chỉ hối thúc các thành viên EU, Pháp là nước đi tiên phong trong nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông ngay trong năm 2016.
Đi tiên phong
Trang tin tức Yibada ngày 31/7 dẫn nguồn tin quân sự Pháp cho biết, hải quân nước này muốn dẫn đầu những cuộc tuần tra của các tàu chiến của EU ở Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải của vùng biển này - nơi vốn đang trong tình trạng căng thẳng hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7.
"Không chỉ điều chiến hạm mạnh nhất của mình để tuần tra, Pháp cũng sẽ yêu cầu tất cả quốc gia thành viên EU phối hợp tuần tra hải quân nhằm đảm bảo sự hiện diện thường trực ở Biển Đông.
Đây là động thái cho thấy nỗ lực quốc tế nhằm đáp trả việc Trung Quốc dựa vào sức mạnh quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông", tờ Yibada dẫn lời bộ trưởng Quốc phòng Pháp Yves Le Drian khẳng định.
Theo nguồn tin này, hiện Hải quân Pháp có 26 tàu hộ tống được trang bị vũ khí đối không, đối đất và săn tàu ngầm. Và trong chuyến tuần tra Biển Đông tới đây, Hải quân Pháp sẽ dùng đến tàu tàng hình thuộc lớp La Fayette.
Pháp quan ngại mất tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ dẫn đến những hệ lụy tương tự ở Bắc Cực và Địa Trung Hải, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian từng phát biểu trong một sự kiện quốc phòng gần đây có sự tham dự của quan chức Trung Quốc:
"Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải".
Trung Quốc công khai đe dọa
Không chỉ có Pháp và EU, trước khi Tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 đưa ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông, Australia đã ủng hộ tự do hàng hải và tiến hành diễn tập trên Biển Đông. Đầu tháng 6/2016, Australia đã kết thúc cuộc diễn tập đổ bộ Sea Explorer-2016 với sự tham gia của tàu đổ bộ lớp Canberra cùng nhiều phương tiện hiện đại khác.
Cuộc diễn tập Sea Explorer 2016 được tổ chức ngoài khơi bờ biển Bắc Queensland như một phần của quá trình tiếp nhận vào đội ngũ lực lượng Hải quân Australia (RAN), khẳng định sự sẵn sàng thực hiện các chiến dịch đổ bộ.
Tàu đổ bộ trực thăng HMAS Adelaide lần đầu tiên được triển khai thực hiện nhiệm vụ với lực lượng kết hợp nhằm tiếp tục tiến trình hội nhập vào nhóm các phương tiện đổ bộ Amphibious Ready Element (ARE).
Tàu đổ bộ tham gia cuộc diễn tập này với lực lượng Tiểu đoàn 2 từ căn cứ Townsville, các đơn vị thuộc Trung đoàn Hoàng gia Australia (2RAR), Không quân Hoàng gia Australia (RAAF).
Diễn tập Sea Explorer 2016 cho thấy tàu đổ bộ trực thăng HMAS Adelaide cung cấp một căn cứ quân sự nổi quan trọng nhằm tiến hành các cuộc đổ bộ bằng máy bay trực thăng và tàu đổ bộ bờ biển (LHD Landing Craft), kiểm trả khả năng sẵn sàng chiến đấu và liên kết phối hợp giữa các lực lượng.
Ngoài ra, Sea Explorer 2016 cũng là cơ hội để đánh giá HMAS Adelaide trong việc sử dụng LHD Landing Craft đổ bộ các xe thiết giáp trên biển. Trong tương lai tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra và HMAS Adelaide là phương tiện đổ bộ then chốt trong lực lượng Đổ bộ đường biển (Amphibious Force) của Australia.
Sự lớn mạnh của RAN với cặp tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra đang khiến Trung Quốc đặc biệt quan tâm và lo ngại. Theo báo chí Trung Quốc, Australia được xem là quốc gia sẽ có những sự ảnh hưởng nhất tại khu vực Biển Đông, khu vực biển mà Trung Quốc đang thể hiện tham vọng rất lớn của mình.
Đặc biệt, tờ báo Global Times (phụ trang của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) mới đây có bài bình luận gay gắt và buông lời đe dọa sẽ bắn chìm chiến hạm Australia trên Biển Đông khi Canberra ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế và diễn tập trên vùng biển này.
"Trung Quốc phải đáp trả để cho họ (Úc) biết mình đã sai. Sức mạnh của Úc chẳng là nghĩa lý gì so với sự an toàn của Trung Quốc. Nếu Úc cho tàu chiến vào khu vực Biển Đông, những con tàu này sẽ là mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh cáo và bắn", tờ báo viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét