Theo cổng thông tin của Hải quân Trung Quốc ngày 19/8, lực lượng này vừa tổ chức thành công cuộc tập trận tại vùng biển Nhật Bản.
"Các cuộc tập trận trên vùng biển quốc tế thường được hải quân thế giới thực hiện và năm nay, hải quân Trung Quốc nhiều lần tập trận ở phía Tây Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận lần này nằm trong kế hoạch tập trận thường niên, theo quy định của luật pháp quốc tế và không nhắm vào bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ hay mục tiêu cụ thể nào", Hải quân Trung Quốc cho biết.
Dù Hải quân Trung Quốc không cho biết địa điểm cụ thể, tuy nhiên nguồn tin tiết lộ rằng, cuộc tập trận được thực hiện "nằm trong vùng biển Nhật Bản". Tham gia tập trận có hai đội tàu. Một đội bao gồm tàu khu trục tên lửa Tây An, tàu khu trục tên lửa Hành Thủy và tàu cung cấp Gaoyouhu.
Cả 3 tàu trên vừa trở về từ cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương 2016 (RIMPAC) tổ chức tại Hawaii do Mỹ đứng đầu. Đội còn lại bao gồm các tàu chiến của Hạm đội Đông Hải. Được biết, Biển Nhật Bản là vùng biển chiến lược giáp với Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trước khi cuộc tập trận bất thường của Trung Quốc diễn ra, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, số lượng các tàu Trung Quốc điều đến khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư lớn hơn rất nhiều so với số lượng tàu của Bắc Kinh ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông hiện nay.
Động thái của Trung Quốc khiến Nhật Bản đang thực sự quan ngại, đặc biệt là khi các tàu của Bắc Kinh liên tiếp đi vào vùng biển của Nhật Bản gần Senkaku (do Nhật kiểm soát). Đầu tháng 8/2016, có tới 15 tàu của Trung Quốc đồng loạt áp sát lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku.
Để "hỗ trợ" cho số tàu này, ở vòng ngoài có khoảng 200 - 300 tàu cá hoạt động. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, thông thường khoảng 3 tàu Trung Quốc triển khai vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Senkaku, trong khi 4 hoặc 5 tàu được triển khai ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough.
Trước động thái này, Chính phủ Nhật Bản đã trao 30 công hàm phản đối cho Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 5 - 10/8. Không chỉ tăng cường số tàu cá lên một cách bất thường, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc tập trận tại khu vực biển Hoa Đông.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cũng mạnh mẽ tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ vật gì hướng tới lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, theo đài NHK của Nhật Bản, Các Lực lượng phòng vệ (SDF) sẽ được đặt trong tình trạng báo động ít nhất 3 tháng và cứ sau 3 tháng, chỉ thị trên của Bộ trưởng Quốc phòng Inada cũng sẽ được xem xét lại.
Cùng với tuyên bố cứng rắn từ Quân đội Nhật Bản là việc nước này công bố kế hoạch triển khai loạt tên lửa chống hạm thế hệ mới nhất của mình tại các đảo tiền tiêu, nơi đang bị Trung Quốc "nhòm ngó". Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ đề nghị gói ngân sách kỷ lục lên tới 5,16 nghìn tỷ yên (51,7 tỷ USD) cho tài khóa 2017.
Kyodo ngày 19/8 dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên cho hay, đề xuất ngân sách cho tài khóa mới bắt đầu tháng 3/2017 tăng 2,3% so với ngân sách hiện thời. Nếu được thông qua, đây sẽ là tăng ngân sách quốc phòng lần liên tiếp thứ 5.
Dự kiến, Nhật Bản sẽ chính thức công bố đề xuất ngân sách cho quốc phòng và các bộ khác vào cuối tháng 8/2016. Đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản bao gồm khoản tiền 100 tỷ yen để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3. Việc nâng cấp này sẽ giúp tăng gấp đôi phạm vi hoạt động của hệ thống tên lửa lên trên 30 km.
Khoản ngân sách nói trên gồm cả chi phí để sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 được phát triển chung với Mỹ, có thể bắn hạ các tên lửa ở tầm cao. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề xuất các khoản ngân sách để mua phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu tàng tình F-35, do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật còn đề xuất ngân sách để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển tại các đảo Miyakojima và Amami Oshima ở miền nam nước này để đối phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Hoa Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét