Thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan tới việc Việt Nam tiếp xúc với các đối tác nước ngoài để tìm mua một loại tiêm kích hạng nhẹ nhằm thay thế MiG-21.
Những ứng viên sáng giá nhất cho vị trí tiêm kích hạng nhẹ thế hệ mới dành cho Không quân Nhân dân Việt Nam (VPAF) bao gồm JAS-39 Gripen do Tập đoàn Saab sản xuất, Rafale của Dassault, F-16 Fighting Falcon của General Dynamics và thậm chí cả Eurofighter Typhoon.
Đây đều là những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới hiện nay, được đánh giá rất cao ở cả năng lực đối không lẫn đối đất/đối hải, nếu được trang bị một trong những loại này chắc chắn sức mạnh của VPAF sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Trong 4 ứng viên thì có vẻ như ưu thế đang nghiêng nhiều hơn về F-16 cùng JAS-39.
Đầu tiên là F-16 Fighting Falcon, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương áp đặt lên Việt Nam thì Defense News đã cho biết chúng ta đang có nhu cầu mua lại các chiến đấu cơ F-16 theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc.
Trước đó Việt Nam đã có bước đi đầu tiên trong việc chuẩn bị tiếp nhận trang bị nguồn gốc Hoa Kỳ, đó là cử phi công sang Mỹ tham gia khóa học huấn luyện bay và chỉ huy tham mưu thuộc Chương trình tập huấn Lãnh đạo Hàng không (Aviation Leadership Program - ALP).
Bên cạnh đó, theo Reuters, phía Việt Nam đã thực hiện các cuộc đàm phán sơ bộ với tập đoàn Saab của Thụy Điển và Dassault của Pháp để mua sắm ít nhất 12 máy bay chiến đấu Rafale hoặc JAS-39. Nhưng ưu thế rõ ràng về giá cả, chi phí khai thác hoạt động... đang khiến Gripen có cửa sáng hơn Rafale.
Nếu Việt Nam lựa chọn F-16 cũ, chúng ta sẽ nhanh chóng có máy bay để đưa vào trực chiến nhằm lấp lỗ hổng mà MiG-21 để lại, số tiền phải bỏ ra để tân trang F-16 chưa bằng một nửa giá thành JAS-39 trong khi tính năng chiến đấu gần như tương đương.
Tuy vậy phương án này cũng có nhược điểm là luôn chứa đựng rủi ro mất an toàn, thời gian phục vụ của F-16 secondhand cũng không thể như máy bay sản xuất mới.
Trong khi đó đây lại là ưu điểm rõ ràng của JAS-39, sự tin cậy trong vận hành, tuổi thọ khung thân trên 10.000 giờ bay, đi kèm chi phí khai thác cực thấp khiến nó có rất nhiều cơ hội được Việt Nam lựa chọn.
Rào cản cần phải vượt qua lúc này là đơn giá của JAS-39C/D lên tới 70 triệu USD (trên 120 triệu USD của phiên bản JAS-39NG), thời gian nhận đủ số lượng chắc chắn sẽ bị kéo dài trong khi hàng chục chiếc Su-22 đã đi tới giai đoạn phục vụ cuối cùng.
Liệu có khả năng Việt Nam sẽ lựa chọn một giải pháp trung dung, đó là đặt mua cả F-16 cũ và JAS-39 mới, trong đó F-16 nhận trước với số lượng đủ còn JAS-39 được mua dần tương ứng với quá trình Su-22 "nhận sổ hưu"?
Viễn cảnh trên không phải bất khả thi, nhất là trong quá khứ Việt Nam cũng đã làm tương tự bằng cách mua gom Su-22 cũ từ Đông Âu song song với việc đặt mua Su-30MK2.
Phương án này khiến ngân sách quốc phòng của Việt Nam không phải chịu áp lực quá lớn trong khi vẫn đảm bảo duy trì lực lượng cần thiết nhằm sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xung đột bất ngờ.
Tóm lại, khả năng JAS-39 Gripen và F-16 Fighting Falcon cùng xuất hiện trong biên chế Không quân Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, những chiếc tiêm kích hạng nhẹ tối tân này kết hợp với Su-30MK2/SM sẽ tạo ra "cặp bài trùng" cực kỳ lợi hại, giúp bảo vệ vững chắc bầu trời và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét