Việc Nga không có ý định bán thanh lý các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PS như dự đoán sẽ buộc những quốc gia quan tâm phải tìm đến một nhà cung cấp khác.
Tháng 8/2015, Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Kazakhstan cho biết, Nga vừa chuyển giao miễn phí 5 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PS cho quốc gia này. Toàn bộ những hệ thống trên được lấy ra từ kho dự trữ chiến lược của Quân đội Nga.
Ngoài lý do Kazakhstan nằm trong Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), các hệ thống S-300PS này vẫn sẽ đóng vai trò phên dậu cho nước Nga, giúp họ tiết kiệm tiền bảo dưỡng định kỳ, thì còn một nguyên nhân khác đó là S-300PS đang dần bị loại biên để nhường chỗ cho các tổ hợp S-400 Triumf hay S-300PMU1/2 mạnh hơn rất nhiều.
Hành động trên của Nga đã khiến một số khách hàng quan tâm, họ hy vọng sẽ mua lại được một vài hệ thống S-300PS dư thừa. Dù cho thua kém S-300PMU1 khá nhiều nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, S-300PS vẫn là một hệ thống tên lửa phòng không di động cực mạnh, còn phát huy tốt vai trò trong chiến tranh hiện đại.
Đáng tiếc rằng người Nga không hề cho thấy ý định sẵn sàng bán S-300PS theo dạng thương mại, việc làm này được hiểu là để giữ thị phần cho S-300PMU-1/2, S-350 Vityaz và cả S-400 Triumf. Tuy nhiên nếu thực sự muốn sở hữu S-300PS, những khác hàng tiềm năng vẫn còn một nguồn cung khác, đó chính là Ukraine.
Được biết sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Ukraine nắm giữ trong tay một lượng lớn các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PS, S-300PMU và cả S-300V nhưng vì thiếu tiền mà phần lớn chúng phải vào kho dự trữ hoặc bị bỏ mặc không ai quan tâm.
Mãi tới gần đây Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Ukraine (Ukroboronprom) mới tiến hành đại tu nâng cấp, kéo dài thời hạn sử dụng cho một tổ hợp S-300PS để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội.
Do vẫn đang trong tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng mà số lượng niêm cất vẫn còn rất nhiều, gần như chắc chắn quốc gia Đông Âu này sẽ vui mừng và sẵn sàng bán lại S-300PS cho bất kỳ đối tác nào có ý định mua với mức giá dễ chịu (thậm chí kèm cả công nghệ sửa chữa lớn cho đạn), đây đã trở thành truyền thống của Ukraine từ khi Liên Xô sụp đổ.
Hệ thống S-300PS có thể theo dõi 12 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu có vận tốc 1.150 m/s cùng lúc, tầm bắn hiệu quả đối với máy bay là 75 km và tên lửa đạn đạo tầm ngắn là 25 km. Thời gian giãn cách giữa 2 loạt phóng chỉ 3 - 5 giây, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu/di dời khỏi trận địa dưới 5 phút.
Đạn tên lửa đánh chặn 5V55R của S-300PS có tầm bắn 90 km, vận tốc tối đa 1.700 m/s, độ cao hoạt động 0,025 - 25 km, mang theo đầu đạn nặng 133 kg, nhận lệnh điều khiển trực tiếp từ đài chỉ huy thay vì phương thức TVM (Track Via Missile - Bám sát mục tiêu bằng đầu thu tên lửa) như đạn 48N6.
Khi đặt cạnh Buk-M2 hay Pechora-2TM thì dễ nhận thấy S-300PS mạnh hơn hẳn, liên hệ với Ukraine để đặt mua một vài tổ hợp là giải pháp tình thế nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao mà các quốc gia có ngân sách quốc phòng eo hẹp (trong đó có cả Việt Nam) rất nên tính tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét