Chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) là một trong những đề tài nóng được giới quan sát thảo luận những năm gần đây.
Tạp chí The National Interest (NI) của Mỹ hôm 13/9 cho hay, nhiều nhà nghiên cứu đã mô tả chi tiết mối đe dọa mà hệ thống vũ khí A2/AD của Trung Quốc tạo thành đối với quân đội Mỹ, đặc biệt là các tàu sân bay của Mỹ.
Tuy nhiên, chiến lược này trên thực tế không phải là một mối đe dọa mới với quân đội Mỹ. Ngay từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các tàu sân bay Mỹ đã gặp phải thách thức tương tự từ Hải quân Liên Xô.
Theo NI, những gì Liên Xô làm trong quá khứ hết sức tương đồng với mục đích mà Trung Quốc hiện nay đang cố gắng hiện đại hóa quân đội để thực hiện.
Bắc Kinh đã đầu tư quy mô lớn để nghiên cứu chế tạo các loại thủy lôi hiện đại, bố trí các cảm biến dưới nước và nâng cao khả năng chống tàu ngầm.
NI đánh giá, đây là những động thái "xây dựng thành lũy" để bảo vệ hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo đang dần lớn mạnh của nước này. Trung Quốc gia tăng phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo tên lửa tầm xa chống hạm nhằm gây sức ép lên quân đội Mỹ đóng tại Thái Bình Dương, đồng thời ngăn Mỹ tiếp cận khu vực ven biển Trung Quốc.
Khái niệm về chiến lược giống nhau, nhưng nhân tố công nghệ và thời đại đã cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn so với Liên Xô, đặc biệt với sự tiến bộ về tài nguyên không gian mạng và vũ trụ.
Dù vậy, tạp chí của Mỹ cho rằng lợi thế không phải là yếu tố chắc chắn chiến lược A2/AD mà Trung Quốc xây dựng sẽ thành công. Bắc Kinh chỉ có thể biết được điều đó khi rơi vào một cuộc xung đột vũ trang thực sự.
Một rủi ro mà Trung Quốc phải chấp nhận, đó là họ cũng không thể biết Liên Xô đạt hiệu quả ra sao với A2/AD của mình, bởi chính Liên Xô cũng chưa trải nghiệm chiến lược này trong thực chiến.
Trong quá khứ, Hải quân Liên Xô có hai mục tiêu lớn thời Chiến tranh Lạnh. Thứ nhất là bảo vệ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Liên Xô, hai là bảo vệ lãnh thổ Liên Xô khỏi nguy cơ bị tấn công bởi tàu ngầm và tàu sân bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
NI chỉ ra thách thức đối với quân đội Liên Xô khi thực hiện các nhiệm vụ trên: Mặc dù có lãnh thổ trải dài ở lục địa Á-Âu nhưng con đường đưa Liên Xô kết nối với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương rất hạn chế. Vịnh Ba Tư và Hắc Hải chỉ có một lối vào, tạo thành những "điểm bế tắc" mà quân đội NATO dễ dàng giám sát.
Đối với Liên Xô, đây được xem là vấn đề tồn tại cả may lẫn rủi. Nếu đe dọa lãnh thổ hoặc khu vực bố trí tàu ngầm của Liên Xô, Hải quân NATO buộc phải vượt qua chặng đường dài tới ven biển Liên Xô và lọt vào tầm bắn của các chiến đấu cơ Liên Xô.
Mặt khác, khoảng cách cũng gây bất lợi nếu Hải quân Liên Xô khó tận dụng sức mạnh các tàu trên mặt nước của họ.
Học thuyết của Hải quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh yêu cầu thách thức quyền kiểm soát của NATO ở các vùng biển quốc tế, nhưng các diễn biến lịch sử đã đẩy Liên Xô tới chiến lược A2/AD.
Để ngăn chặn tàu ngầm và các nhóm tàu sân bay NATO tiếp cận khu vực duyên hải cùng nơi bố trí tàu ngầm, Liên Xô đã thiết lập một khu phòng thủ ngoại tuyến ở cách bờ biển 3.000 km.
Trong Chiến tranh Lạnh, việc theo dõi giám sát trên biển rất khó khăn. Để làm được điều này, Hải quân Liên Xô đã xây dựng một hệ thống giám sát trên biển với sự kết hợp vệ tinh trinh sát biển, vệ tinh tình báo điện tử trên biển, các tàu trinh sát trên mặt nước và máy bay tuần tra.
Hệ thống này cung cấp cho quân đội Liên Xô các số liệu chi tiết để tấn công tàu chiến của đối thủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét