Theo Sunday Guardian, từ ngày 14-27/9, Ấn Độ và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung lần thứ 12 mang tên Yudh Abhyas tại Chaubuttia, bang Uttarakhand của Ấn Độ.
Cuộc tập trận này được tổ chức luân phiên trên đất Ấn Độ và Mỹ. Đây là lần đầu tiên nó được tổ chức gần biên giới với Trung Quốc và cũng là cuộc tập trận quân sự chung Yudh Abhyas đầu tiên kể từ khi Ấn Độ và Mỹ ký Biên bản thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA).
Theo thỏa thuận, LEMOA cho phép Ấn Độ và Mỹ sử dụng căn cứ quân sự và các cơ sở khác của nhau. Đáng chú ý, căn cứ quân sự Chaubuttia ở Ranikhet, chỉ cách biên giới Ấn Độ - Trung Quốc khoảng 100km. Để sẵn sàng cho cuộc tập trận này, hôm 11/9, khoảng 225 binh sĩ Mỹ đã đến quận Chaubuttia.
Chỉ huy quân đội Ấn Độ, Tướng Balwant Singh Negi nói với Sunday Guardian: "Kết nối và phụ thuộc lẫn nhau là trật tự toàn cầu mới, khả năng phối hợp và hoạt động chung sẽ được áp dụng tại cuộc tập trận Yudh Abhyas 2016 là nhu cầu bức thiết quân sự mới".
Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Ấn Độ Rajan Ravindran nói rằng cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn Yudh Abhyas 2016 là bước đi lớn đối với quân đội hai nước nhằm huấn luyện và tăng cường kinh nghiệm tác chiến lẫn nhau.
"Yudh Abhyas-2016 sẽ là cơ hội tuyệt vời cho quân đội Mỹ và Ấn Độ chia sẻ chiến thuật, kỹ thuật, quy trình và kinh nghiệm hoạt động cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng song phương", đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ cho biết.
Tờ Sunday Guardian dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận không nhằm vào Trung Quốc và địa điểm tập trận chỉ phục vụ yếu tố địa lý.
Trước thềm cuộc tập trận này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhắc lại rằng, New Delhi có mối hệ hợp tác hữu nghị với Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đưa ra tuyên bố chính thức nào về cuộc tập trận chung Yudh Abhyas-2016 giữa Ấn Độ và Mỹ.
Được biết, hồi tháng 6/2016, Ấn Độ tham gia tập trận ba bên Malabar với hải quân Mỹ và Nhật Bản.
Kết thúc hội nghị ASEAN tại Lào, ông Modi khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông. "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở dựa trên luật pháp quốc tế, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982".
"Đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp sẽ chỉ càng làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét