Với phương châm xây dựng "chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại", càng ngày Quân đội ta càng nhận được nhiều loại trang bị vũ khí hiện đại, đắt tiền hơn.
Tuy nhiên, khi đã nắm trong tay những trang bị vũ khí hiện đại (TBVK) đó, cán bộ - chiến sĩ của chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Nhằm mục đích nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung, những năm gần đây chúng ta đã tăng cường mua sắm đưa vào biên chế nhiều loại TBVK hiện đại.
Trong đó có nhiều loại thuộc các thế hệ mới nhất trên thế giới như tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9, các loại tên lửa phòng không, đối đất, đối hải, máy bay tiêm kích, cường kích, xe tăng, pháo tự hành các loại...
Đặc điểm chung của các loại trang bị vũ khí mới đã được đưa vào biên chế của quân đội ta thời gian vừa qua và những trang bị sẽ được mua sắm trong thời gian tới là có cấu tạo phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ cao, hàm lượng trí tuệ nhân tạo lớn và có giá thành rất đắt...
Những đặc điểm đó chính là nguyên nhân tạo nên những thách thức mà cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải đối mặt. Và khi được giao làm chủ những TBVK hiện đại này thì mừng đấy song cũng lo đấy!
Bảo quản trang bị - không hề đơn giản
Thông thường, khi nhập các trang bị vũ khí mới về thì chỉ một phần nhỏ trong số đó được đem ra để sử dụng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện- đào tạo ở các đơn vị, nhà trường. Còn phần lớn sẽ được đưa vào bảo quản và chỉ được đem ra sử dụng khi có tình huống xảy ra.
Tuy nhiên, bất cứ loại TBVK hoặc phương tiện máy móc gì dù không đem ra sử dụng thì chúng vẫn sẽ dần dần ‘xuống cấp" trước sức công phá của thời gian và điều kiện môi trường.
Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều như ở nước ta thì sự công phá đó càng mãnh liệt hơn và gây ra những hiệu quả nặng nề hơn- nhất là với những loại trang bị vũ khí công nghệ cao. Đặc biệt, đối với những loại TBVK đặt ở hải đảo, vùng ven biển thì tác động của môi trường lại càng nghiêm trọng...
Công tác bảo quản có mục đích chính là ngăn chặn sự phá hoại đó để kéo dài tuổi thọ cho trang bị vũ khí.
Hiện nay, trong quân đội các nước chủ yếu dùng phương pháp "niêm cất" để bảo quản trang bị vũ khí. Thực chất của niêm cất là nhằm cách ly TBVK với môi trường bằng các loại vỏ bọc khác nhau như dầu mỡ, vải bạt, cao su, vải nhựa v.v...
Niêm cất có 2 trạng thái chính là niêm dài hạn và niêm ngắn hạn. Niêm dài hạn có thể kéo dài 5-10 năm hoặc lâu hơn. Niêm ngắn hạn thường là 6 tháng đến 1 năm phải làm lại. Tùy theo loại trang bị và nhiệm vụ của đơn vị mà cấp có thẩm quyền quyết định sẽ đưa trang bị vào niêm cất dài hạn hay ngắn hạn.
Nói thì đơn giản vậy song quá trình bảo quản cũng rất phức tạp và tốn kém- nhất là khi niêm cất dài hạn. Nó đòi hỏi người thực hiện phải hết sức tỷ mỷ, thận trọng và theo đúng quy trình đối với từng loại TBVK riêng biệt.
Đồng thời phải thường xuyên có động tác kiểm tra, theo dõi các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng mỡ niêm v.v... để có biện pháp xử lý kịp thời.
Chính nhờ làm tốt công tác bảo quản mà nhiều loại TBVK đã đưa vào biên chế quân đội ta mấy chục năm nay vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Để bảo quản tốt các TBVK mới, chúng ta cần phát huy điểm mạnh ấy đồng thời phải nâng nó lên một tầm cao mới, trong đó hết sức chú trọng quy trình và nội dung bảo quản phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng loại khí tài, thiết bị.
Khai thác, sử dụng cũng không dễ dàng
Trang bị hiện đại cũng phải do con người hiện đại sử dụng mới phát huy được tính năng của chúng. Đó là một nguyên lý bất di, bất dịch và đã được thực tế kiểm chứng từ lâu trên thế giới. Giao trang bị vũ khí hiện đại vào tay những người không đủ trình độ, không làm chủ được chúng khác nào giao chiếc máy cày mới cho ông nông dân mù chữ.
Như vậy, không chỉ trang bị vũ khí đối mặt với nguy cơ hỏng hóc mà còn có thể gây ra những nguy hại to lớn hơn đối với cộng đồng.
Chính vì vậy, khi tiếp nhận đưa vào biên chế các trang bị vũ khí hiện đại cũng sẽ kéo theo những thay đổi bắt buộc trong quá trình đào tạo- huấn luyện các kíp chiến đấu.
Không chỉ là thay đổi chương trình, nội dung huấn luyện mà nó còn kéo theo những thay đổi toàn diện và sâu sắc từ chuyện tiêu chuẩn đầu vào đến phương pháp dạy- học, từ giáo trình, tài liệu đến hệ thống cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện v.v...
Thành viên các kíp chiến đấu không chỉ phải nắm vững cấu tạo, nguyên lý làm việc và quy tắc sử dụng TBVK mà còn phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, biết điều chỉnh cả tính cách, tác phong sinh hoạt cùng những thói quen cá nhân cho phù hợp với yêu cầu của quy trình khai thác sử dụng.
Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này khi xem trên mạng một video clip vừa lan truyền về xe tăng T-90 bị tên lửa chống tăng bắn trúng trên chiến trường Syria mặc dù với tính năng bảo vệ chủ động của mình nó hoàn toàn có thể vô hiệu hóa tên lửa này.
Còn nguyên nhân sự vụ thì rất đơn giản: kíp xe T-90 hôm đó đã quên mở thiết bị bảo vệ chủ động Shtora khi tác chiến! Một lần nữa mối quan hệ mật thiết giữa TBVK hiện đại với con người được thực tế kiểm chứng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch khai thác sử dụng phải rất khoa học, hợp lý đảm bảo hài hòa thời gian sử dụng với thời gian bảo dưỡng, chăm sóc trang bị vũ khí đồng thời phải có kế hoạch ứng phó với những tình huống đột xuất xảy ra, tuyệt đối không để lúng túng, bất ngờ.
Có làm như vậy mới kéo dài được tuổi thọ của TBVK, đồng thời đảm bảo được an toàn cho quá trình khai thác, sử dụng.
Bảo đảm kỹ thuật sẽ vô cùng phức tạp
Bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) là tổng hợp những biện pháp, cách thức nhằm đảm bảo kịp thời nhu cầu về số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác các TBVK.
Bảo đảm kỹ thuật bao gồm:
- Bảo đảm đồng bộ TBVK (kể cả phụ tùng thay thế và tài liệu kỹ thuật), chuẩn bị kỹ thuật để đưa TBVK vào khai thác sử dụng;
- Bảo dưỡng kỹ thuật sau khi sử dụng, huấn luyện kỹ thuật (chủ yếu cho đội ngũ kỹ thuật viên và thợ sửa chữa);
- Bảo đảm vật tư kỹ thuật, tổ chức cứu kéo sửa chữa TBVK để nhanh chóng đưa chúng về lại đội hình...
Vì vậy, mỗi khi có TBVK mới được đưa vào biên chế cũng đòi hỏi công tác BĐKT phải có những thay đổi cần thiết để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm cho chúng.
Trong đó cần chú trọng bổ sung các loại vật tư, phụ tùng chuyên dùng để thay thế; xuất bản tài liệu hướng dẫn sử dụng; mua sắm hoặc sản xuất dây chuyền bảo dưỡng, sửa chữa mới; huấn luyện đội ngũ thợ sửa chữa v.v...
Vấn đề này đặc biệt khó khăn bởi có những loại TBVK mà bộ đội ta lần đầu tiên được tiếp cận. Bên cạnh đó, các TBKT hiện đại có cấu tạo phức tạp, tinh vi nên công tác bảo dưỡng, sửa chữa của nó đòi hỏi trình độ rất cao đối với đội ngũ thợ và nhân viên kỹ thuật.
Trải qua mấy cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, Quân đội ta đã làm khá tốt công tác BĐKT. Tuy nhiên, với những TBKT mới hiện đại, tinh xảo hơn gấp bội phần so với trước đây thì công tác BĐKT cũng sẽ phức tạp hơn rất nhiều và cũng là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ, chiến sĩ của chúng ta.
Tóm lại, các TBVK hiện đại nói chung có cấu tạo phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ cao, dễ chịu tác động của điều kiện môi trường nên cũng sẽ có yêu cầu rất cao đối với công tác bảo quản, bảo dưỡng sửa chữa và khai thác sử dụng chúng.
Để khai thác sử dụng chúng một cách có hiệu quả, an toàn không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo - huấn luyện đối với đội ngũ thành viên kíp chiến đấu cũng như nhân viên kỹ thuật và thợ sửa chữa.
Đồng thời phải chấp hành nghiêm ngặt mọi quy trình, quy tắc trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa cũng như khai thác sử dụng TBVK. Đó là những thách thức không nhỏ song cũng là vinh dự to lớn của mỗi cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét