Mặc dù khá "im hơi lặng tiếng" nhưng phương tiện quân sự do Italy chế tạo đang xuất hiện ngày càng nhiều trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Mới đây khi Lữ đoàn 161 Hải quân công khai giới thiệu việc vừa đưa vào trang bị robot quét thủy lôi tối tân Pluto Plus do Tập đoàn Gaymarine Electronics của Italy sản xuất đã gây ngạc nhiên lớn, vì trước đó chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến thương vụ này.
Nhờ sự kiện trên mà những người quan tâm đến tình hình quốc phòng nước nhà mới "giật mình" nhìn lại để nhận ra rằng phương tiện quân sự do Italy sản xuất đang có mặt ngày càng nhiều trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), giữa Việt Nam và Italy chỉ có một hợp đồng vũ khí duy nhất đó là cung cấp 2 khẩu pháo Oto Melara Super Rapid để lắp đặt trên tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814, nhưng vì dự án đóng tàu bị treo đã dẫn tới nguy cơ hủy bỏ việc mua pháo.
Tuy nhiên thực tế những gì diễn ra lại nhiều hơn hẳn, ngoài robot Pluto Plus, Việt Nam (cụ thể ở đây là Binh đoàn 18) đã tiếp nhận 2 trực thăng AW189 của Tập đoàn AgustaWestland và đã đặt mua thêm 3 chiếc khác, đơn giá mỗi máy bay AW189 là 27 triệu USD, nếu đi kèm phụ tùng thì tổng giá trị của 5 chiếc có thể lên tới 150 triệu USD.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên hãng đóng tàu Fincantieri từng cho biết: "Theo đó, Lực lượng vũ trang Việt Nam, cụ thể là Hải quân đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Italy để cung cấp tàu tuần tra, cụ thể là các tàu tuần tra xa bờ và tàu ngầm mini".
Hiện tại Fincantieri đang mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các nước Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam. Tại Việt Nam, Fincantieri là một phần trong chiến lược đưa ra vào tháng 11/2014 bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Italy, ông Domenico Rossi.
Mặc dù chưa nói rõ chủng loại mà Việt Nam quan tâm nhưng nếu nhìn vào danh mục sản phẩm của Fincantieri thì dễ dàng nhận ra rằng chỉ có tàu ngầm S-1000 (sản phẩm hợp tác với Nga) và tàu tuần tra xa bờ lớp Commandante là phù hợp với yêu cầu.
Nếu Việt Nam thực sự muốn mua tàu tuần tra xa bờ lớp Commandante hay tàu ngầm mini S-1000 thì ước tính số tiền chúng ta phải bỏ ra sẽ lên tới trên 500 triệu USD, thậm chí xấp xỉ 1 tỷ USD trong trường hợp mua mỗi loại 2 chiếc.
Số lượng ít nhưng giá trị của từng loại phương tiện quân sự lại rất cao, chỉ cần một vài thương vụ thành công thì Italy hoàn toàn đủ khả năng vượt qua cả Israel, Pháp, Ấn Độ hay thậm chí là Mỹ để giữ vị trí nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, chỉ sau Nga.
Viễn cảnh tươi sáng trên của các tập đoàn sản xuất vũ khí Italy dĩ nhiên vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó có thể là tác động từ bên ngoài hay từ trong nước. Tuy nhiên nhờ việc xây dựng được nền móng ban đầu, họ có quyền nghĩ tới một tương lai đầy triển vọng tại thị trường Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét