Khi nghe tên cơ sở đào tạo này, các sĩ quan xe tăng Việt Nam còn "bập bõm" tiếng Nga ngơ ngác bảo nhau: "Sao lại sang học ở trường bắn thế này?".
Theo Hiệp ước hữu nghị Xô-Việt, những năm 80 của Thế kỷ 20 rất nhiều cán bộ Quân đội Việt nam được đưa sang Liên Xô bổ túc về chuyên môn. Trong đó, Kur-xư Vư-xtrel là một trong những địa chỉ mà hầu hết sĩ quan xe tăng của ta phải trải qua.
Với truyền thống hữu nghị giữa hai nhà nước, nhiều thế hệ sĩ quan Tăng Thiết giáp (TTG) Việt Nam đã được đưa sang Liên Xô đào tạo. Thông thường, các sĩ quan sơ cấp hệ chỉ huy được đào tạo ở các trường Tas-ken,
Ô-đét-sa; cán bộ kỹ thuật đào tạo ở Ki-ép; còn sĩ quan trung cấp thì được đào tạo tại Học viện xe tăng mang tên Nguyên soái Ma-li-nốp-xki ở Mát-cơ-va. Tuy nhiên, sau năm 1980, thêm một địa chỉ nữa đón rất nhiều sĩ quan TTG sang học - đó là "Kurxư Vưxtrel".
Khi nghe tên cơ sở đào tạo này, các sĩ quan còn "bập bõm" tiếng Nga ngơ ngác bảo nhau: "Sao lại sang học ở trường bắn thế này?". Nhưng rồi cũng chẳng có ai trả lời cho họ. Sở dĩ có câu hỏi như vậy là bởi trong tiếng Nga thì từ "Vưxtrel" có nghĩa là "Bắn".
Nhưng không phải như vậy! Đó chỉ là gọi tắt. Tên đày đủ của cơ sở đào tạo này "Các khóa học nâng cao của bộ binh" (tên tiếng Anh là "Course Shot").
Thực chất đây là một Học viện để bổ túc cho sĩ quan cấp tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh (BB), bộ binh cơ giới (BBCG) và tăng thiết giáp (TTG) không chỉ cho quân đội Liên Xô mà cả cho một số nước khác.
Và các sĩ quan TTG, BBCG của Việt Nam cũng được đưa đến đây để bổ túc nâng cao trình độ-đặc biệt ưu tiên giáo viên các Trường sĩ quan. Các khóa học được tiến hành trong 10 tháng và có qua phiên dịch. Tuy thời gian ngắn song các học viên cũng tiếp thu được rất nhiều kiến thức và chứng kiến nhiều điều kỳ thú ở đây.
Học viện lâu đời nhất
Nằm khiêm nhường bên cạnh thị trấn Solnechnogorsk, khu vực Moscow không phải ai cũng biết Kurxư Vư xtrel là một trong những tổ chức giáo dục lâu đời nhất và có uy tín nhất của Quân đội Nga và Liên Xô.
Từ những bài học rút ra trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của Napôleon, Hoàng đế Nicholas I đã quyết tâm cải tổ quân đội Nga theo hướng chính quy, thống nhất. Chính vì vậy, ngày 07 Tháng Sáu năm 1826 ông đã ra sắc lệnh thành lập "Tiểu đoàn bộ binh kiểu mẫu", sau đó nâng lên "Trung đoàn bộ binh kiểu mẫu".
Năm 1882, cơ sở này được mang tên "Trường (Oranienbaum) sĩ quan Bộ Binh" để đào tạo chỉ huy cấp tiểu đoàn và trung đoàn cho toàn quân. Sự tồn tại của cơ sở đào tạo này đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển quân đội dưới thời Nga Sa hoàng.
Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, Trường Bộ Binh đang được chỉ huy bởi Thiếu tướng Sa hoàng Nikolai Mikhailovich Filatov. Tuy nhiên, ông đã liên hệ với Ủy ban khởi nghĩa và giữ nguyên trạng nhà trường theo lệnh của Hội đồng Quân sự cách mạng.
Ngày 21.11.1918, Hội đồng Quân sự cách mạng lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 245 xây dựng một "Trường cao đẳng chỉ huy bộ binh của Hồng Quân"trên cơ sở Trường Sĩ quan Bộ Binh, vẫn giao cho Trung tướng Philatốp làm giám đốc, đồng thời trưng dụng toàn bộ nhân viên và cơ sở vật chất của trường cũ.
Các lớp học đầu tiên tại trường bắt đầu ngày 18.3 năm 1919.Ngày này được coi là ngày truyền thống của nhà trường.
Sau nhiều lần đổi tên, ngày 11.12.1963 – Trường được đổi thành "Kurxư Vư xtrel"- Học viện bổ túc sĩ quan của Bộ binh và được vinh dự mang tên Nguyên soái Shaposhnikov. Mặc dù mang tên như vậy song học viện đảm nhiệm cả việc bổ túc cán bộ cho cả các đơn vị xe tăng.
Có lẽ do lúc đó Liên Xô không còn bộ binh thuần túy nữa mà chỉ có BBCG, và trong thành phần BBCG bao giờ cũng có xe tăng!
Tính từ năm 1918, nhà trường đã đào tạo hơn 120.000 sĩ quan các loại. Trong số đó có hơn 200 người được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhiều người trở thành Nguyên soái và sĩ quan cấp tướng trong quân đội Liên Xô và Nga.
"Hợp chúng" quân đội
Không chỉ là học viện quân sự lâu đời nhất, Kurxư Vư xtrel còn là học viện duy nhất có hẳn một Khoa Quốc tế để làm nhiệm vụ đào tạo và bổ túc sĩ quan cho các nước anh em, bè bạn.
Các tài liệu và hiện vật trong Bảo tàng của học viện cho biết học viện đã đào tạo, bổ túc cho sĩ quan của hơn 30 nước trên thế giới. Trong đó đầu bảng phải kể đến là các nước XHCN Đông Âu- các thành viên khối Vác-sa-va (liên minh quân sự đối trọng với NATO thời đó).
Khối thứ hai là các nước còn lại trong phe XHCN như Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Nam Tư, Cu Ba, Việt Nam v.v... Thứ ba là các nước dân tộc chủ nghĩa có xu hướng tiến bộ trên khắp các châu lục như: Ăng-gô-la, Ca-mơ-run, Y-ê-men, Ni-ca-ra-goa v.v...
Và thứ tư, đơn giản chỉ là khách hàng mua các trang vị vũ khí của Liên Xô như Ấn Độ, Ai Cập v.v...
Thực ra, việc đào tạo sĩ quan cho các nước anh em, bè bạn rất phổ biến đối với các học viện và trường sĩ quan của Liên Xô lúc đó.
Tuy nhiên, điểm khác biệt trong đào tạo quốc tế của Kurxư Vư xtrel với các học viện, nhà trường kia là:
"Tại các học viện nhà trường quân sự khác, học viên quốc tế phải học bằng tiếng Nga, sinh hoạt ăn ở chung với học viên của nước sở tại và cũng học theo chương trình chung như học viên Liên Xô... thì ở Kurxư Vư xtrel các đoàn học viên quốc tế đến được bố trí ăn ở riêng, vẫn mang quân phục của mình và nếu chưa biết tiếng Nga thì được học qua phiên dịch.
Chương trình học thì được thống nhất giữa Bộ Quốc phòng hai nước..."
Với đặc điểm như vậy, học viện như một "Hợp chúng quân đội". Những ngày Quốc khánh của mỗi nước hoặc những dịp tập trung toàn khoa trông thật vui mắt bởi sự đa dạng của tiếng nói, màu da và màu sắc, kiểu dáng quân phục.
Hòa bình, hữu nghị được đặt lên trên hết
Với một "Hợp chúng Quân đội" như vậy, sự khác biệt và phức tạp trong quản lý tại Khoa Quốc tế của học viện là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, nhờ kình nghiệm quản lý lâu năm của cán bộ khung đồng thời do có sự quán triệt giáo dục của các đoàn nên nguyên tắc "Hòa bình, hữu nghị, đoàn kết" đã được đặt lên trên hết.
Dù có khác nhau về chính kiến, về phong tục tập quán, tôn giáo, về lề lối sinh hoạt... thì đến đây đều phải tôn trọng nhau và chấp hành nghiêm pháp luật Liên Xô cùng các quy định của học viện.
Thậm chí có nước ở nhà đang đánh nhau chí tử như Bắc Y-ê-men với Nam Y-ê-men song sang đây học vẫn được học viện bố trí ở cùng một nhà. Có điều lạ là hai đoàn vẫn sống với nhau rất hữu nghị, ngày chủ nhật có khi còn ra nông trang mua cừu về làm thịt đánh chén chung.
Một hoạt động thể hiện rõ nhất tính chất hòa bình, hữu nghị là các giải thi đấu thể thao. Hệ thống sân bãi, nhà thi đấu của học viện rất đầy đủ và khá hiện đại, đủ điều kiện tổ chức các giải đấu kể cả mùa hè lẫn mùa đông nên không khí sinh hoạt trong học viện rất sôi nổi và vui vẻ.
Các trận đấu đôi khi cũng rất căng thẳng song đều kết thúc trong niềm vui của cả hai bên.
Về điều kiện kinh tế của các học viên ở đây cũng rất đa dạng. Có đoàn thì hưởng nguyên lương như ở nhà rồi quy đổi ra đồng Rúp (tiền Liên Xô). Có đoàn thì hưởng trợ cấp của chính phủ Liên Xô.
Trong gần 30 đoàn thời điểm đó thì sĩ quan Li- bi có lương cao nhất. Lương của họ lên đến 2000- 3000 USD/ tháng (thời giá thị trường 1 USD= 4,4 RÚP). Họ không ở trong ký túc xá của học viện mà về ở khách sạn trên trung tâm Mát-xcơ-va cách đó 60 km.
Hàng ngày thuê 1 xe 16 chỗ sáng chở đi học, chiều chở về nhà. Còn lương thấp nhất là học viên Việt Nam và Cu Ba - chỉ 90 Rúp/tháng. Số tiền này nếu ăn ở "Nhà ăn công cộng" thì chỉ vừa đủ.
Tuy có nhiều khác biệt như vậy song hầu như không có các hiện tượng kỳ thị, bài xích lẫn nhau giữa các đoàn học viên. Sĩ quan các nước gặp nhau đều thể hiện tinh thần bình đẳng, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau với câu cửa miệng "Các dela?"- đại loại như câu "How are you" trong tiếng Anh.
Mặc dù nhỏ con, ăn mặc, tiêu pha có vẻ khiêm tốn nhất song đoàn Việt Nam vẫn dành được cảm tình của các đoàn bạn, đặc biệt là các bạn Cu Ba, Ni-ca-ra-goa, Ăng-gô-la...
Ngày lễ chung
Vào ngày Quốc khánh của mỗi nước, khoa Quốc tế lại tập trung toàn khoa để mít tinh chào mừng. Mở đầu buổi lễ, đội quân nhạc của học viện cử quốc thiều của nước đó.
Tiếp đó đại diện khoa lên đọc diễn văn chúc mừng. Hội trường của học viện có ca-bin dịch và tai nghe đến từng ghế nên tất cả các học viên đều nghe được. Cuối cùng, đại diện nước có ngày lễ lên cảm ơn. Sau đó giải tán về tiếp tục học tập.
Tuy nhiên, tại học viện có một ngày lễ chung không chỉ học viên quốc tế mà cả học viên Liên Xô, cán bộ khung, nhân viên và chiến sĩ trung đoàn phục vụ cùng dự. Đó là ngày Lễ chiến thắng 9.5.
Sau cuộc mít tinh và "duyệt binh" ở quảng trường học viện là một cuộc diễu binh ra thị trấn Solnechnogorsk bên cạnh. Đội hình diễu binh gồm rất nhiều khối, dẫn đầu là đội quân nhạc của học viện với đủ kèn trống rất hoành tráng.
Các đoàn học viên quốc tế dẫu có ít cũng mỗi nước thành một khối riêng. Đội hình diễu binh vì thế dài hàng km.
Quãng đường diễu binh kéo dài chừng 5-6 km, qua quảng trường trung tâm thị trấn đến Đài tưởng niệm Liệt sĩ ở ngoại vi thị trấn mới quay về.
Cũng giống như mọi Đài tưởng niệm và Nghĩa trang liệt sĩ trên khắp nước Nga, tại Đài tưởng niệm nổi bật câu khẩu hiệu: "Nhi kto nhi zabưl; nhi sto nhi zabưl" (Không quên một ai; không quên cái gì).
Khi qua quảng trường trung tâm và tại những nơi dân chúng tập trung đông các khối phải chuyển sang đi nghiêm. Đội hình "Hợp chúng quân đội" lại thêm một lần nữa thể hiện sự đa sắc qua động tác điều lệnh đội ngũ của từng nước trông thật vui mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét