Trong tác chiến hiện đại, xe tăng chiến đấu chủ lực dù cho tối tân đến đâu chăng nữa cũng trở nên vô cùng mong manh và dễ vỡ trước sức mạnh của trực thăng vũ trang.
Thông tin Việt Nam dự định đặt mua tới 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS hiện đại hàng đầu của Nga là lời khẳng định đối với chủ trương dành ưu tiên hiện đại hóa cho lực lượng Lục quân trong nhiệm kỳ này, đúng như lời Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng từng cho biết.
Dự kiến giá trị hợp đồng có thể lên tới hàng tỷ USD, sẽ đưa Lục quân Việt Nam trở lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á khi sở hữu Binh chủng Tăng - Thiết giáp đông đảo cũng như chất lượng vượt trội.
Tuy nhiên nếu như đã mua số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới, ngoài cơ sở hậu cần kỹ thuật phục vụ khai thác, Việt Nam rất cần thiết phải xây dựng hoàn chỉnh các đơn vị tác chiến song song.
Mặc dù vẫn là "nắm đấm thép" có sức xuyên phá mạnh nhất của bộ binh, nhưng trong kỷ nguyên mới, ưu thế của xe tăng trên chiến trường đã phần nào bị trực thăng vũ trang áp đảo. Nhìn lại chiến tranh vùng Vịnh hay xa hơn là tại chiến trường Việt Nam năm 1972 đã cho thấy xe tăng hoàn toàn bị thất thế trong cuộc đối đầu với trực thăng.
Do vậy, trang bị bổ sung các tổ hợp phòng không lục quân tầm thấp đủ khả năng bám sát đội hình tiến quân của xe tăng để đánh trả những đòn tập kích đường không từ đối phương là yêu cầu tối quan trọng.
Hiện tại, trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam có các tổ hợp tên lửa và pháo phòng không di động Strela-10 cùng với ZSU-23-4, nhưng đây là những khí tài đã lạc hậu, độ cơ động không cao, đặc biệt là tầm bắn hiệu quả quá thấp, khó đảm đương vai trò cận vệ cho T-90MS.
Cho dù Việt Nam mới đây đã tiếp nhận các hệ thống phòng không di động SPYDER-SR/MR của Israel, nhưng vũ khí này lại được tối ưu hóa cho phòng thủ điểm và tác chiến mạng trung tâm, không phải hệ thống phòng không lục quân đúng nghĩa.
Trong hoàn cảnh trên, có lẽ lựa chọn tối ưu của Việt Nam là mua tiếp các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 (phiên bản sử dụng khung gầm xe bánh xích) để lĩnh trọng trách bảo vệ những đơn vị xe tăng T-90MS hiện đại.
Bên cạnh phiên bản bánh lốp tiêu chuẩn, gần đây Nga đã giới thiệu biến thể mới nhất của Pantsir-S1 sử dụng khung gầm xe bánh xích GM-532, đây được cho là cấu hình tối ưu dành cho việc đi kèm, hộ tống đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới nhờ tính việt dã vượt trội.
Về cơ bản thì toàn bộ các thành phần của Pantsir-S1 vẫn được giữ nguyên với radar cảnh giới nhìn vòng 2RL80 (tầm trinh sát 45 km), radar kiểm soát hỏa lực 1RS2-1, cùng thiết bị ngắm bắn quang điện.
Sức mạnh của Pantsir-S1 nằm ở 2 pháo bắn nhanh 2A38M cỡ 30 mm tốc độ bắn 2.500 phát/phút, tiêu diệt được mục tiêu bay từ cự ly tối đa 4 km, trần bay 3 km; và tên lửa đánh chặn 57E6 tầm bắn 20 km, độ cao bắn hạ 15 km. Phạm vi tác chiến này đủ lập ô phòng không đảm bảo an toàn cho xe tăng vì tên lửa phóng đi từ trực thăng chỉ có tầm 10 km đổ lại.
Với những đặc tính chiến đấu ưu việt của mình, Pantsir-S1 phiên bản bánh xích rất nhiều khả năng sẽ được Việt Nam lựa chọn làm chủ lực của Phòng không Lục quân do không còn ứng viên nào phù hợp hơn, điều này cũng phù hợp với định hướng ưu tiên hiện đại hóa đã được đề ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét